“Vật liệu composite trong điêu khắc ứng dụng ở việt nam từ năm 1990 đến nay”

PHẦN TIẾP THEO ....Chương 3

Áp dụng vật liệu composite vào điêu khắc ứng dụng - Hiệu quả và những đóng góp xã hội

 

3.1. ÁP DỤNG VẬT LIỆU COMPOSITE VÀO THỰC TẾ ĐIÊU KHẮC ỨNG DỤNG

Stephen Bayley, nhà thiết kế nổi tiếng người Đức có nói: “ Design là sự gặp gỡ của mỹ thuật và công nghiệp”. Một nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp, nhưng chủ thể thẩm mỹ không thể không nhắc đến kỹ thuật và công nghệ trong sáng tạo vì đó là những yếu tố khoa học luôn song hành trong tiến trình sáng tạo.

Vai trò của các nhà designer ở đây là tạo ra cái đẹp có tính công năng, hữu ích. Bởi vậy, họ là cầu nối giữa nghệ thuật với các ngành khoa học để cùng nhau giải quyết vấn đề tạo ra một sản phẩm hoàn hảo. Các designer - nhất là các nhà làm điêu khắc ứng dụng phải có kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như:

-  Tính chất vật lý: nắm được tính kết cấu chịu lực, sức bền vật liệu tạo thành sản phẩm.

- Tính công năng: phải tính toán sao cho việc sử dụng sản phẩm phù hợp, phát huy giá trị của nó trong không gian sử dụng hàng ngày.

- Nhân trắc học: phù hợp với kích thước con người, tầm mắt, vị trí đặt để sản phẩm...

- Yếu tố thẩm mỹ, văn hóa: sản phẩm phải đẹp, phù hợp với không gian nội thất chung, mang đến sự thoải mái, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của người sử dụng.

- Yếu tố kinh tế - kỹ thuật: sản xuất phải tiện lợi, giá thành phải hợp lý, vừa túi tiền của người sử dụng.

Vì vậy, quá trình thiết kế một sản phẩm điêu khắc ứng dụng là sự tác động qua lại lẫn nhau của nhiều yếu tố được hình thành những những mối quan hệ trong quá trình sáng tác nói chung. Hơn nữa phải dựa theo những kinh nghiệm sáng tác và thực tế nghề nghiệp để tạo ra sản phẩm phù hợp. Đưa ra quy trình tạo dáng sản phẩm, nêu lên được mối quan hệ biện chứng giữa: sáng tác - công nghệ - tác động sáng tạo.

Quy trình sản xuất tác phẩm, sản phẩm điêu khắc ứng dụng từ vật liệu composite được gói gọn qua năm bước:

  • Lên ý tưởng phác thảo 2D, 3D mẫu sản phẩm
  • Chuyển thể nội dung ý tưởng sản phẩm sang mô hình đất sét
  • Tạo khuôn mẫu sản phẩm
  • Sản xuất sản phẩm
  • Lắt đặt và hoàn thiện bề mặt sản phẩm

3.1.1. Lên ý tưởng phác thảo 2D, 3D mẫu sản phẩm.

Một tác phẩm, sản phẩm điêu khắc có giá trị khi nó có nội dung phù hợp, hình khối, mảng, chất liệu ăn nhập với cách tạo hình của tác phẩm. Bên cạnh đó, kỹ năng tay nghề cũng là một yếu tố hết sức quan trọng từ việc hình thành ý tưởng đến tạo tác ra sản phẩm thật.

Như vậy việc đầu tiên tạo nên diện mạo cho một tác phẩm, sản phẩm điêu khắc là ý tưởng (tư tưởng, chủ đề). Theo kinh nghiệm thực tế của bản thân tác giả thì không nên bỏ qua công đoạn ban đầu này. Nếu một ý tưởng không phác thảo trước trên định dạng 2D hoặc 3D hoặc trên phác thảo khác được hỗ trợ bởi công nghệ thì trong quá trình thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là khi thực hiện trên chất liệu và tỷ lệ thật.

 Ví dụ: nếu một tác phẩm được thể hiện trên giấy với mô hình 2D - 3D, với các góc nhìn các nhau, các ưu nhược điểm của ý tưởng đó sẽ thể bộc lộ ra ngay từ ban đầu. Việc chỉnh sửa trên bản thảo cũng sẽ đơn giản, không tốn nhiều công sức và chi phí, người sáng tác cũng có thể nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về nội dung, các đường nét hình khối. Sau đó cân nhắc được việc làm khuôn, chọn vật liệu thể hiện tác phẩm hay phương pháp thi công lắp đặt… Có đôi khi không chỉ là một ý tưởng mà có thể cần nhiều hơn một ý tưởng để có được sự lựa chọn cho khách hàng. Hơn nữa đối với một tác phẩm, sản phẩm với kích thước lớn, bỏ qua bước này khi thực hiện chúng ta sẽ gặp rất nhiều rủi ro về thời gian tiến độ đặt ra và kinh phí cũng như nhân lực hỗ trợ(PL. H.3.27)

Trong thực tế, các nhà cung cấp, các nhà tư vấn điêu khắc hay các nghệ sỹ điêu khắc khi làm việc với các khách hàng của mình họ phải trình bày ý tưởng trên bản vẽ phác thảo (maquette). Phải thuyết phục khách hàng về sự phù hợp của sản phẩm trong tổng thể không gian kiến trúc, cả về nội dung hình thức, chất liệu sản phẩm, phương án thi công… Đôi lúc còn phải dựa trên các yêu cầu, ý tưởng của khách hàng đã đưa ra, kết hợp với sự tư vấn chuyên môn của người thực hiện. Không phải khách hàng nào cũng có nhu cầu trưng bày các tác phẩm, sản phẩm điêu khắc và đều có sẵn con mắt nhìn cái đẹp hoặc có một sự am hiểu nhất định về điêu khắc. Nhà điêu khắc không đơn thuần chỉ là một người sáng tạo mà họ còn là nhà tư vấn thực thụ, đòi hỏi có năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp.

Vậy nên ngay từ bước đầu tiên người làm điêu khắc ứng dụng phải lao động một cách thực sự, có trách nhiệm và có tình yêu đam mê với tác phẩm, sản phẩm của mình. Như vậy mới có thể đưa nghệ thuật điêu khắc trở nên phổ biến được, ứng dụng rộng rãi và có giá trị cải tạo không gian nội ngoại thất.

3.1.2. Chuyển thể nội dung ý tưởng sản phẩm sang mô hình đất sét:

Sau khi ý tưởng phác thảo đã được hoàn thiện, đến công đoạn chuyển thể từ bản vẽ phác thảo sang mô hình đất sét, đúng với kích thước thật của tác phẩm, sản phẩm được yêu cầu hoặc theo mô hình thu nhỏ với tỷ lệ cụ thể. Đất sét là vật liệu trung gian được sử dụng để thể hiện trước khi chuyển sang chất liệu chính (chất liệu cuối cùng của sản phẩm, tác phẩm).

Khi vật liệu đất đã được chọn và chuẩn bị kỹ lưỡng, thì đến công đoạn dựng cốt lên hình , tùy vào tác phẩm, sản phẩm là tượng tròn hay phù điêu để có những cách làm cốt, hàn sắt, buộc bướm giữ đất, hay chuẩn bị cốt nền. Việc tạo mẫu đất sét nhanh chậm, khối dày mỏng, cao thấp phụ thuộc vào mắt nhìn và tay nghề của từng người, từ đắp thô đến nặn, gọt chi tiết, cứ theo từng bước mà tác phẩm được hình thành. Mô hình này giúp cho người xem - khách hàng hình dung được một cách cụ thể sản phẩm thực tế sẽ như thế nào. Đồng thời giúp nhà điêu khắc có thể chỉnh sửa các chi tiết cụ thể hơn so với mô hình trên giấy, đây là một bước trực quan cần thiết trước khi tiến hành các bước tiếp theo. (PL. H.3.28)

3.1.3. Tạo khuôn mẫu cho sản phẩm:

Để tạo khuôn cho tác phẩm điêu khắc ứng dụng có rất nhiều chất liệu khác nhau, tuy nhiên ở đây tác giả xin đưa ra 3 loại chất liệu tạo khuôn cơ bản cho sản xuất đó là: thạch cao, gelcoat (hoặc composite), silicon. Và cách tạo khuôn mẫu cụ thể trên các chất liệu này.

  1. Cách tạo khuôn trên chất liệu thạch cao:

Thành phần bao gồm:

+ Thạch cao

+ Xơ đay, hoặc có thể dùng xơ dừa để trộn lẫn vào thạch cao

+ Gỗ ni tô làm giằng, hoặc thân tre

+ Nước

+ Chất chống dính

+ Bao tay, xô, chậu và các dụng cụ bảo hộ khác…

Quá trình làm khuôn:

Khi đã có mẫu phôi mẫu bằng đất sét (cốt sản phẩm chuẩn), quét hoặc phủ lớp chống dính lên bề mặt sản phẩm, sau đó dùng thạch cao đã pha theo tỷ lệ chuẩn (cách pha chúng ta cần dùng nước trước sau đó mới cho bột thạch cao vào). Khi có hỗn hợp (nước với thạch cao), tạo lớp bề mặt lên phôi đất sét đã có lớp chống dính, chờ cho bề mặt hơi se và nhúng xơ đay vào hỗ hợp thạch cao đã được pha, phủ lên trên lớp bề mặt, ít lớp hay nhiều lớp phụ thuộc vào yêu cầu sản phẩm, để tạo độ chắc cho khuôn. Tùy từng mức độ khó của từng sản phẩm (chi tiết sâu hay nông, tượng hoặc phù điêu to hay nhỏ để chia khuôn thành 2 hay nhiều mảnh). Dùng thanh giằng tạo các lớp xương phía ngoài cho khuôn, tác dụng là cố định cho khuôn tránh bị gãy, vặn khuôn hoặc cong vênh biến dạng hình

Chờ cho hỗn hợp này đóng rắn, trong khoảng thời gian 15 phút, ta tách lớp khuôn ra khỏi phôi đất sét, sửa, ráp khuôn và chuyển sang một phiên bản (hay còn gọi là bản dương) bằng chất liệu bằng thạch cao.

Thạch cao là chất liệu cứng hơn đất, có thể bê vác, vận chuyển, chỉnh sửa, gọt giũa dễ dàng. Nên gia công bản thạch cao thêm một lần nữa kỹ hơn trên đất, để đảm bảo độ tinh xảo của tác phẩm, sản phẩm. Khi đã có phôi sản phẩm bằng thạch cao thì tiếp theo thực hiện đổ lại 1 vỏ khuôn thạch cao mới trên phôi thạch cao đã được chỉnh sửa theo yêu cầu thiết kế để có khuôn hoàn chỉnh. (PL. H.3.29)

Về ưu điểm của khuôn thạch cao: vật liệu rẻ, cách sử dụng đơn giản, độ đóng rắn nhanh, nhẹ khi để ở dạng khô, rất phù hợp với công việc tạo khuôn mẫu hoặc sản phẩm đơn chiếc.

Về nhược điểm: khuôn thạch cao dễ vỡ nên chỉ đổ được một đến hai sản phẩm là phải bỏ khuôn, không thể sử dụng để sản xuất hàng loạt. Khuôn cứng nên không làm được các chi tiết cầu kỳ, có độ ngóc ngách nhiều, ngấm nước và ngâm lâu trong nước có thể bị tan rã. (PL. H.3.30)

Cách tạo khuôn trên vật liệu composite, gelcoat:

Thành phần bao gồm:

+ Composite hoặc nhựa gelcoat.

+ Sợi thủy tinh.

+ Chất xúc tác (accelator), chất làm chống chảy, chống bọt khí…

+ Chất đóng rắn: M60, M50, Trigonox

+ Sáp chống dính wax8, silicon, dầu mỏ, mỡ lợn (mỡ động vật)… 

+ Sắt làm thanh giằng gia cố khuôn.

+ Bột đá xay.

+ Bao tay, xô, chậu, khẩu trang than hoạt tính hoặc mặt nạ phòng độc…

Quá trình tạo khuôn trên chất liệu này, chúng ta sử dụng sản phẩm là phôi thạch cao, khi bản thạch cao hoàn thành ưng ý ta bắt đầu làm khuôn.

* Quá trình làm khuôn:

Gần giống với quy trình làm khuôn thạch cao nhưng phức tạp và lâu hơn, vì yêu cầu về tỉ lệ phầm trăm của hóa chất.

Chất liệu nhựa composite hoặc nhựa gelcoat được đưa vào thùng hoặc xô, chậu chứa. Bột đá hay còn gọi là bột tan là một loại chất độn cho nhựa polyeste (CPS, gelcoat). Bột này được xay nhuyễn từ đá vôi (các mảnh đá vụn từ công nghệ khai thác đá). Khuấy đều hai chất này bằng máy chuyên dụng hoặc các thiết bị tự chế, sao cho nó ở dạng lỏng sệt giống như độ lỏng của sữa đặc. Sau đó ta cho chất đóng rắn butanox (chất xúc tác), chiếm tỷ lệ nhỏ (ví dụ với M60 thì chỉ cần 0.5% là đủ, dùng M50 thì gần 1%, còn loại trigonox thì khoảng 1.2%. Chất xúc tiến (accelator), chất làm chống chảy, chống bọt khí…) theo tỷ lệ chuẩn mặc dù sử dụng rất ít nhưng không thể thiếu trong sản xuất composite.

Sau khi tạo ra hỗn hợp này chúng ta dùng chổi quét lớp bề mặt lên phôi thạch cao, hoặc trên phôi sản phẩm bằng một số chất liệu khác, đã được quét lớp chống dính. Chờ cho lớp bề mặt se lại, dùng sợi gia cường (sợi thủy tinh) phủ lên lớp bề mặt, dùng hỗn hợp như lớp hỗn hợp pha được ban đầu nhưng có độ lỏng nhiều hơn, dùng bút hoặc lô lăn dập lớp sợi này sao cho ngấm sâu giữa các lớp nhựa với nhau, giữa các lớp sợi - lớp nhựa bề mặt và lớp nhựa gia cường không bị bọt khí hoặc có các lỗ hở. Các lớp gia cường này có thể dùng một lớp hoặc nhiều hơn tùy theo yêu cầu của sản phẩm là tượng hay phù điêu. Gia cố khuôn dùng sắt hoặc gỗ làm thanh giằng tạo các lớp xương phía ngoài cho khuôn, tác dụng là cố định cho khuôn tránh bị vặn hoặc cong vênh biến dạng.

Chờ 8 đến 15 phút cho các phản ứng hóa học xảy ra hết ở nhiệt độ 25°C, sau đó tách khuôn ra khỏi cốt sản phẩm, sản phẩm thu được là khuôn mẫu. Các mảnh khuôn bằng vật liệu composite, gelcoat hay còn gọi là khuôn cứng. (PL.H.3.31)

Về ưu điểm của khuôn composite - gelcoat: bền, nhẹ hơn khuôn thạch cao, có thể đổ được 1 đến 50 sản phẩm. Thường áp dụng cho tác phẩm, sản phẩm có kích thước từ nhỏ đến lớn, phù điêu khổ rộng, có thể khoan bắt vít, bu-lon giữa các miếng, các tấm khuôn lớn với nhau, việc tháo dỡ, bảo quản và vận chuyển loại khuôn này rất đơn giản và thuận tiện hơn hẳn các loại khuôn bằng chất liệu khác.

            Về Nhược điểm: giá thành cao, nhựa polyester, composite, đặt biệt là gelcoat khi ở thể đóng rắn thường rất cứng, các chi tiết cầu kỳ, hoa văn, họa tiết ngóc ngách, phức tạp sẽ khó có thể tháo dỡ trong quá trình tạo sản phẩm. Nó giống tình trạng như ghép “mộng khóa” trong đóng đồ giường tủ bằng gỗ thịt, bởi sản xuất sản phẩm cũng là từ chất liệu như chất liệu tạo khuôn, đều có độ cứng như nhau.

Cách tạo khuôn trên chất liệu silicon (khuôn mềm)

Thành phần bao gồm:

+ Silicon chịu nhiệt.

+ Chất đông cứng: butanox, xylene.

+ Vải màn, sợi thủy tinh

+ composite.

+ Chất chống dính.

+ Ốc vít.

+ Thanh giằng

+ Bao tay, xô, chậu, khẩu trang than hoạt tính hoặc mặt nạ có than hoạt tính…

Các tỷ lệ và phản ứng của chất lưu hóa và silicon cơ bản được liệt kê như sau: Nếu thêm chất đóng rắn 1%, silicon có thể hoạt động trong vòng 2,5 giờ và khuôn có thể được tháo ra sau 6 - 8 giờ. Nếu chất đóng rắn 2%, chất liệu silicon có thể hoạt động trong vòng 50 phút đến 1 tiếng đồ hồ và khuôn có thể được tháo ra sau 2 - 3 giờ. Nếu thêm chất đóng rắn 3%, chất liệu silicon có thể hoạt động trong vòng 28 - 30 phút và khuôn có thể được tháo ra sau 1,5 - 2 giờ. Nếu thêm chất đóng rắn 4%, chất liệu silicon có thể hoạt động trong vòng 10 - 15 phút và khuôn có thể được đổ ra sau 1 - 1.5 giờ. Tuy nhiên tỷ lệ chất đóng rắn càng cao thì chất lượng khuôn về sử dụng lâu dài càng kém.

* Cách pha chế:

 Lấy lượng silicon vừa đủ số cần dùng, sau đó khuấy trộn tạo thành thể đồng nhất, để đảm bảo quá trình lưu hóa diễn ra là đồng đều, khoảng 2 - 3 phút. Đuổi bọt khí bằng máy hút chân không hoặc pha các chất xúc tiến tương tự như cách làm cho khuôn nhựa composite, gelcoat hoặc nếu không thì nên sử dụng hàm lượng chất lưu hóa (đóng rắn) thấp và để ổn định khoảng 10 phút trước khi dùng tạo khuôn. (PL.H.3.32)

* Quá trình làm khuôn: 

 Khi đã có cốt, mẫu sản phẩm được phủ hoặc quét lớp chống dính lên bề mặt, dùng máy phun silicon, hoặc dùng chổi quét thủ công, tạo nhiều lớp chồng lên nhau, sau đó phủ lớp vải màn hoặc sợi thủy tinh và phun, quét lại silicon thêm 3 đến 5 lớp tùy yêu cầu của từng loại sản phẩm.

Sau khi đã tạo được lớp khuôn bằng silicon, chờ các phản ứng hóa học xảy ra hết, ta tiếp tục dùng nhựa composite làm áo khuôn (cách pha trộn tỉ lệ như quá trình làm khuôn composite, gelcoat) bên cạnh đó ta cũng có thể tạo áo khuôn cho khuôn silicone bằng vật liệu khác như: thạch cao, hoặc xi măng, áp dụng cho sản xuất khuôn mẫu của sản phẩm là phù điêu kích thước nhỏ, còn các sản phẩm tượng hoặc phù điêu kích thước lớp thì chúng ta phải dùng áo khuôn bằng composite. Vì nó có khả năng làm khít, bắt vít hoặc  bu-lon làm cố định khuôn trong quá trình ghép các mảnh với nhau, tùy theo mức độ khó dễ của tác phẩm, sản phẩm.

Tách khuôn và áo khuôn ra khỏi cốt ban đầu, sản phẩm thu được là một bộ khuôn hoàn chỉnh có thể đưa vào sản xuất sản phẩm ngay.

 Về ưu điểm của khuôn silicon (khuôn mềm): khuôn mềm, dẻo nên có thể làm được các sản phẩm có chi tiết cầu kỳ, hoa văn, họa tiết tinh xảo. Trong quá trình sử dụng không phải chống dính bề mặt. Với khuôn silicon có thể sản xuất được từ 1 đến hàng nghìn bản trên một khuôn (vì là silicon chịu nhiệt, nước rất tốt). Sản xuất nhanh, tháo khuôn đơn giản, bề mặt sản phẩm đẹp.

 Về nhược điểm: giá thành cao, đổ liên tục trong thời gian ngắn, khoảng 20 sản phẩm đầu đẹp, nếu tiếp tục đổ mà không có thời gian ngưng nghỉ, khuôn sẽ bị tình trang giãn nở không đồng đều. Khi đổ sản phẩm bằng vật liệu composite đặc điểm vật liệu này kết tủa ở nhiệt độ cao, nhiệt độ sẽ bị tăng lên và khi đó nếu làm liên tục, nhiệt độ của silicon bị tăng theo cộng với áo khuôn sử dụng bằng vật liệu nhựa composite, sẽ làm tăng gấp đôi nhiệt độ, dẫn đến tình trạng giãn nở không đều của khuôn. Nếu tiếp tục tận dụng khuôn để sản xuất liên tục thì sẽ tạo ra các sản phẩm hàng loại 2, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và chất lượng khuôn mẫu thì phải cho khuôn ngưng nghỉ khoảng 10 đến 15 phút rồi mới tiếp tục sản xuất. Trong trường hợp sử dụng áo khuôn bằng thạch cao thì hạn chế được tình trạng giãn nở nhưng áo khuôn lại dễ hư hỏng, không phù hợp với các khuôn khổ lớn ghép nhiều mảnh, và cũng vì một số sản phẩm đặc thù cần bắt bu-lon định hình nên trong sản xuất khuôn silicon để sản xuất hàng loạt thường dùng áo khuôn bằng vật liệu

Một trong những phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất trong chế tạo sản phẩm điêu khắc ứng dụng bằng vật liệu composite là phương pháp chế tạo thủ công. Phương pháp thủ công sử dụng khuôn hở, có thể sử dụng khuôn dương hoặc khuôn âm.

3.1.4. Sản xuất sản phẩm composite bằng khuôn composite theo phương pháp thủ công:

  1. Chuẩn bị vật liệu:

+ Vât liệu Polyester, hoặc các chất liệu gốc nền composite.

+ Chất độn dạng sợi: có tính chất cơ lý cao hơn, tuy nhiên lại có giá thành cao hơn chất độn dạng hạt, sợi thường dùng chất độn trong công nghệ composite sản xuất sản phẩm điêu khắc là sợi thủy tinh.

+ Hoặc chất độn dạng hạt: có những ưu điểm như giảm giá thành sản phẩm, tăng thể tích cần thiết. Với những chất độn ở dạng hạt trơ làm tăng độ bền cơ lý, hóa, nhiệt, điện, dễ đúc, đổ, giảm sự tạo bọt khí trong loại nhựa có độ nhớt cao. Cải thiện tính chất bề mặt của vật liệu, chống co rút khi đóng rắn. Che khuất sợi trong cấu trúc, giảm tỏa nhiệt khi đóng rắn.

+ Chất đông cứng: butanox, xylene.

+ Chất chống dính.

+ Sắt hộp gia cố, định hình sản phẩm tránh cong vênh.

+ Giấy nhám, xô chậu, khẩu trang than hoạt tính hoặc mặt nạ có than hoạt tính và đồ bảo hộ chuyên dụng khác….

  1. Cách tiến hành:

+ Khi đã có khuôn ta tiến hành vệ sinh khuôn, chống dính bề mặt khuôn. (PL.H.3.33)

Nhựa composite được đưa vào máy khuấy đều với bộ đá, lưu ý cần khuấy đều và cẩn thận để loại bỏ bọt khí trong nhựa, tránh làm ảnh hưởng quá trình gia công, điều này rất quan trọng, do bọt khí còn trong nhựa sẽ ảnh hưởng tính chất cơ lý, làm cấu trúc sản phẩm bị yếu. Cần phải chú ý rằng việc dùng xúc tác và xúc tiến với hàm lượng vừa đủ sẽ cho vật liệu những tính chất tốt nhất. Nếu quá nhiều xúc tác sẽ làm quá trình đông hoá đóng rắn xảy ra nhanh hơn, ngược lại, nếu ít xúc tác quá trình đóng rắn sẽ bị chậm lại.

  1. Sản xuất bằng phương pháp thủ công:

 Dùng chổi quét đều hỗn hợp trên bề mặt khuôn, chờ cho hỗn hợp này se bề mặt lại, lấy sợi thủy tinh trải lên trên lớp hỗn hợp mới quét, (đây là cách làm thủ công dành cho sản xuất các tác phẩm, sản phẩm điêu khắc ứng dụng với kích thước nhỏ, với kích cớ lớn và yêu cầu kỹ thuật cao sẽ cần có sự hỗ trợ bởi máy móc). composite được dùng nguyên chất, trộn đều với butanox, dùng bút dầm cho sợi thủy tinh chìm, bám vào lớp hỗn hợp trước đó, cứ theo công đoạn như vậy ta có thể bồi thêm nhiều lớp sợi và nhựa lên sao cho đủ độ dày yêu cầu, tuy nhiên thông thường các sản phẩm điêu khắc ngoài trời thường hay dùng đến 5 lớp sợi và nhựa để đảm bảo.

Dùng thanh sắt hộp gia cố, định hình khung cho sản phẩm, tránh cong vênh và tăng cường độ chắc. Thời gian kết tủa của composite rất nhanh 20p ta có thể dỡ sản phẩm ra khỏi khuôn, tuy nhiên để cho đóng rắn hoàn toàn thì ta nên để sản phẩm sau 40 đến 50 phút mới tháo dỡ sản phẩm. (PL. H3.34)

 

  1. Sản xuất bằng phương pháp công nghiệp phun hỗn hợp composite:

Trong phương pháp phun hỗn hợp, vật liệu gia cường có kích thước nhỏ được trộn với nhựa polymer theo tỷ lệ xác định. Súng phun được sử dụng để phun hỗn hợp nhựa polymer và vật liệu gia cường vào khuôn. vật liệu gia cường được cung cấp liên tục vào một đầu cấp của súng phun, nhựa polymer và chất khởi tạo phản ứng được cung cấp tới một đầu cấp khác của súng. Quá trình hòa trộn được diễn ra trong thiết bị hòa trộn tĩnh hoặc động trong súng phun hoặc trong thiết bị khác. Tương tự như phương pháp chế tạo thủ công, chất hỗ trợ tháo khuôn (chống dính) được phun hoặc quét lên mặt khuôn, tiếp theo là lớp gelcoat tạo bề mặt cho sản phẩm. Sau đó hỗn hợp nhựa polymer, chất khởi tạo phản ứng và sợi gia cường được phun ép vào khuôn.

Vật liệu sử dụng trong phương pháp phun hỗn hợp composite tương tự như trong phương pháp thủ công. Sợi thủy tinh được cắt với chiều dài từ 10mm tới 40mm trước khi được trộn vào hỗn hợp.

Phương pháp phun hỗn hợp composite được sử dụng trong chế tạo các sản phẩm có hình dạng phức tạp và các sản phẩm có yêu cầu cơ tính không cao. Tuy nhiên, phương pháp phun hỗn hợp composite có thể kiểm soát tốt tỷ lệ của nhựa polymer và vật liệu gia cường trong hỗn hợp, qua đó đảm bảo tính thẩm mỹ và độ đồng đều về cơ tính của sản phẩm. Dùng trong sản xuất các sản phẩm điêu khắc ứng dụng khối lượng lớn, đổ hàng loạt.

  1. Sản xuất sản phẩm composites từ khuôn thạch cao.

Các bước tạo ra sản phẩn composite trên khuôn thạch cao tương tự như các bước sản xuất trên khuôn composite, chỉ khác là ở khuôn thạch cao muốn lấy được sản phẩm tượng, phù điêu có nhiều chi tiết thì cần phải phá khuôn để lấy sản phẩm hoặc có thể giữ khuôn với điều kiện chi tiết trên sản phẩm phải dễ thoát, không bị hóc khuôn.

  1. Sản xuất sản phẩm đá nhân tạo (crysstone) từ gốc composite trên khuôn gelcoat

Cách tạo ra một sản phẩm trên chất liệu khuôn gelcoat, sản xuất tác phẩm, sản phẩm điêu khắc từ đá hạt ép, chất liệu nền composite. Việc đầu tiên là phải vệ sinh khuôn gelcoat sạch sẽ, dùng giấy nhám chà qua bề mặt cho khuôn nhẵn mịn sạch sẽ, dùng máy áp lực phun nước, rửa sạch khuôn, dựng khuôn theo chiều đứng hoặc nghiêng và dùng máy áp lực đẩy nước đọng trong khuôn đồng thời làm khô bề mặt khuôn.

Phun một lớp PVOH hoặc PVA (là một polymer tổng hợp tan trong nước nó có công thức lý tưởng [CH2CH (OH)]n. Là chất màu trắng (không màu) và không mùi, chất này tương đương với chất chống dính), phun đều lên trên toàn bề mặt của khuôn gelcoat đã được vệ sinh, chờ cho bề mặt hơi se, dùng máy bắn đá (phun cát), tạo một lớp hạt đá mỏng trên bề mặt khuôn, lớp đá này sẽ nằm ngậm trong lớp PVA trong suốt.

Đá hạt dạng nhỏ hơn được đưa vào máy trộn, dùng chất liệu nền composite hay còn gọi chất kết dính chính đã được khuấy trộn đều với chất đóng rắn butanox theo tỷ lệ chuẩn, hỗn hợp này được cho vào máy trộn chuyên dụng, đưa hỗ hợp đã trộn đảo kỹ vào khuôn đã được chuẩn bị sẵn, rải đều lên khuôn lớp hỗn hợp, tùy vào kích thước to nhỏ của khuôn mà có thể chọn máy đầm, máy ép phù hợp (cũng tùy vào sản phẩm là tượng tròn hay phù điêu để có thể có sự hỗ trợ từ máy móc ví dụ máy ép hay đơn giản chỉ là máy đầm đá).

Thời gian kết tủa cho hỗn hợp này phụ thuộc vào một phần yếu tố thời tiết, nếu nhiệt độ thấp thì đóng rắn lâu hơn và nhiệt độ cao, hanh khô, nắng ấm thì phản ứng diễn ra nhanh hơn, nhưng trung bình thì để hỗn hợp kết tủa, đóng rắn cần mất ít nhất 60 phút và cần thêm 30 phút để đóng rắn hoàn toàn.

  1. Cách tạo ra sản phẩm đá nhân tạo trên chất liệu khuôn silicon, từ chất liệu nền composite.

Bằng phương pháp thủ công: silicon vốn là dạng khuôn có độ dẻo rất tốt, không bám bẩn sâu ở bề mặt khuôn, tuy nhiên trước khi đưa vào sử dụng ta vẫn cần vệ sinh khuôn qua nước bằng máy rửa áp lực. Sở dĩ ta luôn phải vệ sinh khuôn sạch vì sản xuất đá nhân tạo đặc biệt đá trắng tinh khiết thì bề mặt khuôn phải sạch, tránh bụi bẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng bề mặt tác phẩm, sản phẩm.

Trong sản sản xuất đá tự nhiên thì ta không thể loại bỏ các yếu tố như nứt, lẫn tạp chất trong đá, đá không đều màu… những điều này thì với đá nhân tạo ta có thể khắc phục gần như hoàn toàn.

Không giống với các loại khuôn khác, với khuôn silicon không cần chống dính, vì bản chất silicon là chất dẻo, nên không kết dính với các chất như nước, như nhựa composite… Hơn nữa, một vật liệu cứng và một vật liệu mềm thì việc tháo dỡ cũng như sản xuất là rất dễ dàng, bản chất chúng luôn tách lớp không tham gia các chuỗi phản ứng với nhau, không kết dính nhau.

Công đoạn còn lại này thì tương tự như công đoạn sản xuất của khuôn gelcoat, hạt đá được chọn theo kích cỡ phù hợp. Sau đó đưa vào máy trộn, chất kết dính chính là chất liệu nền composite đã được khuấy trộn đều với chất đóng rắn butanox theo tỷ lệ chuẩn. Hỗn hợp này được máy đảo đá trộn đều, rồi đưa vào khuôn đã được chuẩn bị sẵn, rải đều lên khuôn, tùy vào kích thước to nhỏ của khuôn mà có thể chọn máy đầm đá phù hợp. Cũng tùy vào sản phẩm là tượng tròn hay phù điêu để có thể có sự hỗ trợ từ máy móc. Ví dụ máy ép hay đơn giản chỉ là máy đầm đá, dùng sợi thủy tinh dạng vải hoặc dạng sợi để gia cường mặt sau của sản phẩm nếu sản xuất sản phẩm kích thước lớn, lớp sợi gia cường này cũng chính là lớp chống thấm rất hữu hiệu nếu vị trí lắp đặt bị ẩm ướt.

Thời gian kết tủa cho hỗn hợp này phụ thuộc vào thời tiết nóng hay lạnh, nếu thời tiết lạnh thì độ đóng rắn lâu hơn so với thời tiết nắng ấm. nhưng thông thường thì để đông rắn hỗn hợp này cần mất ít nhất 60 phút và cần thêm 30 phút để đóng rắn hoàn toàn.

 Tuy nhiên nếu trong trường hợp cần sản xuất sản phẩm gấp thì thời gian chỉ cần đợi 30 phút cho hỗn hợp đóng rắn tạm thời. Lật ngược khuôn và từ từ tháo lớp áo khuôn composite, sau đó lấy lớp ruột khuôn bằng silicon ra. Không di chuyển sản phẩm đá cho đến khi sản phẩm đủ thời gian kết tủa, trong thời gian chờ kết tủa chúng ta có thể tiếp tục sản xuất sản phẩm mới khác.

Với các loại khuôn từ các chất liệu như gelcoat hay silicon… Có thể ứng dụng sản xuất cho rất nhiều các dạng sản phẩm điêu khắc ứng dụng bằng chất liệu như thạch cao, xi măng... (PL. H.3.35)

3.1.5. Hoàn thiện bề mặt tác phẩm, sản phẩm

  1. Hoàn thiện sản phẩm chất liệu đá ép được làm từ khuôn gelcoat.

Khi tách sản phẩm ra khỏi khuôn ta dùng nước sạch và bàn chải nhựa hoặc loại bàn chải sợi cước đánh sạch lớp PVA bám trên bề mặt sản phẩm. Lớp PVA vốn là chất tan trong nước, khi ta đánh sạch lớp keo hóa trong suốt đi thì các tinh thể đá lúc này lộ ra, bề mặt sản phẩm có độ nhám tự nhiên của các tinh thể đá vỡ, nếu rọi đèn vào ta có thể thấy độ khúc xạ ánh sáng vào các tinh thể đá tạo nên bề mặt cho tác phẩm sự lung linh mà không cần tạo màu hay cần hỗ trợ thêm chất liệu tạo ánh khác. Đây cũng chính là ưu điểm nổi bật của công nghệ đá ép nhân tạo ứng dụng từ chất liệu gốc composite.

  1. Hoàn thiện sản phẩm vật liệu composite làm từ khuôn composite.

Tác phẩm, sản phẩm được tách từ khuôn ra, trên bề mặt còn bám một lớp chất chống dính. Ta cần loại bỏ nó bằng việc cọ, rửa, với sản phẩm nhựa composite ta buộc phải loại bỏ các chất chống dính đi vì hầu hết tất các tác phẩm, sản phẩm đều phải tạo chất trên bề mặt sản phẩm bằng sơn. Rất hiếm khi có thể dùng nguyên bề mặt sản phẩm bởi gốc composite vốn là chất không màu hoặc dạng hơi hồng sáng về cơ bản là tông màu sáng, nếu cần tạo chất cho bề mặt sản phẩm thì có thể sẽ phải dùng đến các loại sơn để tạo giả các chất liệu trên bề mặt. Ví dụ như tạo bề mặt chất giả kim loại, giả đồng, giả gỗ, giả đá, giả cổ…

  1. Hoàn thiện sản phẩm chất liệu đá ép được làm từ khuôn silicon

Khi bóc lớp áo khuôn và lớp silicon ra khỏi bề mặt sản phẩm. Không giống với đá ép từ khuôn gelcoat, sản phẩm thu được từ loại khuôn này có độ mịn, độ lỳ của bề mặt. Ta dùng nước sạch và giấy nhám với các độ nhám, mịn khác nhau, đánh tan lớp nhựa đọng trên bề mặt. Lúc này sản phẩm sẽ có bề mặt mịn màng, sờ vào cảm giác mát tay, nhưng khi nhìn vào bề mặt ta lại thấy nó là những tinh thể đá được xếp cạnh nhau, có độ trong của màu đá (độ trong như nhìn cào đá thạch anh) và lấp lánh một cách không trật tự nhưng lại rất bằng phẳng. Các tinh thể đá vỡ không nằm trên bề mặt sản phẩm giống như các tác phẩm sản xuất từ khuôn gelcoat mà nó nằm đều trên bề mặt định hình của khuôn.

Tác phẩm, sản phẩm thu được sau khi tháo khuôn và hoàn thiện là một vật liệu mới khác hoàn toàn so với vật liệu ban đầu. (PL. H.3.36)

3.2. GIÁ TRỊ THỰC TIỄN CỦA VẬT LIỆU COMPOSITE KHI ỨNG DỤNG VÀO CUỘC SỐNG.

Ngày nay, ngành sản xuất vật liệu composite với những tính năng ưu việt đang là một ngành kinh doanh quan trọng có khả năng hỗ trợ cho nhiều ngành nghề khác. Các lĩnh vực ứng dụng vật liệu composite hết sức phong phú, vì vậy composite trở thành vật liệu của tương lai, dần thay thế các vật liệu truyền thống như gỗ, kim loại, sứ… Đặc biệt được các công ty, cơ sở sản xuất hàng mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ ứng dụng vào công nghệ sản xuất một cách triệt để.

Để có những sản phẩm đẹp về thẩm mỹ, hiệu quả về công năng, đồng thời làm cho người sử dụng hài lòng là một trong những ý tưởng và mục đích phấn đấu của nhiều họa sĩ thiết kế, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Việc ứng dụng vật liệu composite, đang dần thay thế các vật liệu truyền thống, qua một số nhà sản xuất đã cho thấy được hiệu quả của ứng dụng vật liệu composite.

Ông Nguyễn Chí Trọng Nghĩa - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân sản xuất và thương mại Đức Việt, một con người say mê với vật liệu composite cho biết: “vật liệu composite hiện nay tương đối phổ biến trên thị trường không phải ai cũng biết được độ bền và ưu điểm của loại vật liệu này, tuy nhiên ngay cả chúng tôi những người đã có nhiều năm nghiên cứu loại vật liệu này trước khi cho ra dòng sản phẩm cũng gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ. Để ra được các sản phẩm như các bạn thấy, chúng tôi đã phải tiến hành thử nghiệm và thực nghiệm trên hàng trăm mẫu sản phẩm thí nghiệm, cuối cùng mới tạo nên được những sản phẩm thực sự cao cấp và ấn tượng đem đến cho khách hàng sự thú vị khi sử dụng kèm theo giá cả rất hợp lý chỉ bằng một nửa so với các sản phẩm ngoại nhập từ châu Âu”

3.2.1. Giá trị đối với đời sống văn hóa, xã hội

Không thể phủ nhận những giá trị văn hóa và những ý nghĩa về mặt xã hội mà những tác phẩm điêu khắc đem lại cho đời sống chúng ta. Chính điêu khắc ngoài trời (phù điêu hoa văn trang trí, tượng đài, tượng vườn, tượng trang trí kiến trúc…) đã và đang tham gia đóng góp tích cực vào cải tạo không gian sống, hình thành “điểm nhấn văn hóa” trong cảnh quan môi trường. Từ những lợi ích thực tế này sẽ mang đến cho chúng ta những giá trị cao hơn về mặt thẩm mỹ trong nhận thức của người dân, những giá trị về văn hóa, nhân văn đối với cộng đồng và xã hội. Những tác phẩm, sản phẩm của điêu khắc sẽ trở nên gần gũi với cuộc sống của con người và trở thành nhu cầu về nghệ thuật, nâng cao trình độ thẩm mỹ.

 

Ở một số nước phát triển những tác phẩm điêu khắc sử dụng làm điểm nhấn cho không gian, kiến trúc, đã đem lại những giá trị về mặt văn hóa, quảng bá du lịch rất tốt.

Ví dụ như tác phẩm “Blue Mustang” (hay còn gọi là chú ngựa xanh) của nghệ sỹ Luis Jiménez, nằm ở Tây Bắc nước Mỹ

 Đây là một tác phẩm nghệ thuật, nằm trong khu vực sân bay Denver được làm năm 2008, con ngựa biểu hiện cho tinh thần hoang dã của miền Tây Mỹ cũ. Tác phẩm điêu khắc Blue Mustang là một trong những điểm tham quan đầu tiên khi đặt chân lên mảnh đất Denver này. Tác phẩm này được làm bằng vật liệu composite, sơn phủ màu xanh. Ban ngày tác phẩm có màu xanh, nhưng vào ban đêm nó được chuyển sang một tông màu nhạt và có khúc xạ ánh sáng tốt hơn khi ánh đèn hắt vào nó. Hai mắt chú ngựa được làm từ đá ruby khi thắp đèn sáng phía trong nó giống như đôi mắt rực lửa màu đỏ. Bức tượng cao 32m, trong tư thế đứng, hai chân sau làm trụ và nó như là một hình ảnh thân thiện “chào mừng bạn đến Denver” đầy mạnh mẽ và kiêu hãnh. Tác phẩm điêu khắc trong dự án này cung cấp câu trả lời mới cho mối quan tâm về môi trường thường được đặt ra khi sử dụng các vật liệu như polyester, sợi thủy tinh. Dự án này cung cấp một giải pháp thân thiện với môi trường, thúc đẩy sự đổi mới thiết kế, có thể tạo ra các tác phẩm điêu khắc tuyệt vời như thế này bằng các vật liệu mới thân thiện và giá thành hợp lý…(PL. H.3.38)

Hoặc tác phẩm điêu khắc: Large Flying Bowling Pins, tác giả nghệ sĩ Claes Oldenburg đặt tại ngã tư giữa Kennedylaan and Fellenoord Avenues, ở Hà Lan. Với mục đích chào mừng thế vận hội thể thao, hoàn thành tháng 4 đến tháng 5, năm 2000. Tác phẩm được làm bằng chất liệu: thép, nhựa, sợi gia cố, polyvinyl chloride bọt, polyester gelcoat, sơn chuyên dụng và men polyurethane (PL. H3.1)

Nó là công trình đặt chính ngã tư, xung quanh lượng người qua lại nhiều, khu có đường cho người đi bộ, việc một tác phẩm với màu sắc vàng bắt mắt làm điểm nhấn gây sự chú ý đối với người đi qua nơi này, hình ảnh Bowling thể hiện cho một môn thể thao, và một ý nghĩa khác nó thể hiện tinh thần chiến thắng, sự nỗ lực trong cuộc sống, sức mạnh tập trung cho những mục tiêu phấn đấu để chiến thắng…

Ở Việt Nam các tác phẩm điêu khắc cũng có những ý nghĩa vô cùng quan trong trong đời sống văn hóa cộng đồng. Những tượng đài thành công đã trở thành một địa chỉ văn hóa không chỉ thu hút khách tham quan mà còn với ngay cả những người dân địa phương.

Ví dụ những bức ảnh lưu niệm chụp trước tượng đài Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu từ lâu đã là một mốc đánh dấu “đã tới thăm TP Hồ Chí Minh” của nhiều khách tham quan. Ở đây tượng đài trở thành một địa chỉ văn hóa có tầm mức phổ quát toàn quốc gắn với hình ảnh của một thành phố. Không chỉ có vậy, cùng với không gian xung quanh, tượng đài trở thành một sân khấu lớn, một địa điểm diễn ra các hoạt động từ vui chơi giải trí của người dân đến các hoạt động nghi thức, nghi lễ của thành phố.

Tượng đài Lê-nin ở Hà Nội cũng đạt đến giá trị một địa điểm văn hóa như thế và không phải vô cớ đây là nơi quy tụ những nhóm nghệ thuật đường phố đầu tiên.  Có được điều đó phải khẳng định có sự đóng góp quan trọng của tượng đài vào không gian công cộng. Bởi chính tượng đài đã tạo ra cho không gian công cộng sự lành mạnh, sự độc đáo, sự vững bền và sự thân thiện như hệ thống 5 tiêu chí về không gian công cộng (tiêu chí công năng, tiêu chí thẩm mỹ, tiêu chí xã hội, tiêu chí tiện nghi, tiêu chí liên kết, tiếp cận).

Nếu như không có tượng đài, giả sử quy hoạch kiến trúc vẫn như hiện nay thì vườn hoa Chi Lăng sẽ rất đơn điệu, không có tầm nhìn, không có dấu ấn so với nhiều vườn hoa khác ở Hà Nội.

Những ví dụ thành công khác nữa như  tượng đài Thủ Khoa Huân, Chiến thắng Xoài Mút của Nguyễn Hải, Tạ Quang Bạo với đài tưởng niệm Nghĩa trang Đường 9 Trường Sơn, Tượng đài Hoàng phượng, 1972 của Lê Đình Quỳ.

Tuy nhiên ở Việt Nam đây là các không gian văn hóa có sự góp mặt của điêu khắc và nó đem lại những giá trị thực, còn điêu khắc ứng dụng vật liệu composite dùng cho trang trí ngoài trời hiện nay ở Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ.

Với các nước công nghiệp phát triển, vật liệu composite được sử dụng rất rộng rãi và phổ biến, nó như một giải pháp thân thiện với môi trường. Trong quá trình tiếp cận, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng, chúng ta hầu hết mới chỉ ứng dụng trang trí trong điêu khắc dân dụng, cho các công trình trong ngành dịch vụ. Các công trình công cộng có dùng vật liệu composite trong điêu khắc ngoài trời nhưng còn rất khiêm tốn, nếu xét về mặt thẩm mỹ, độ bền, tính năng ứng dụng và kinh tế thì hơn hẳn các vật liệu trong tự nhiê. Trong những năm gần đây các công trình điêu khắc trang trí ngoài trời mang lại những giá trị văn hóa đã bắt đầu được ứng dụng nhiều hơn.

 Ví dụ như bức tượng Bác Hồ - cao 8m đặt khuôn viên sư 341 Đô Lương, Nghệ An - là bức tượng với tạo hình tư thế Bác đứng, vừa thân thiện gần gũi, vừa uy nghiêm. vật liệu được dùng là composite, sợi thủy tinh, bề mặt giả chất liệu, nếu không chạm tay vào bức tượng thì người xem thật khó để nhận biết đó là chất giả đồng (PL. H3.15)         

Hoặc bức tượng dáng thể thao, đặt ở khu thể thao Mai Lĩnh - Hà Đông - Hà Nội, với tư thế thẳng, đứng trụ trên chân một người và giữa hai tượng người chỉ có liên kết một cánh tay, một tư thế hai dáng người chồng lên nhau rất khó về kết cấu trong tạo hình.  Về mặt kết cấu, nếu là bằng các chất liệu tự nhiên thật khó để có thể làm được với tư thế này, vì độ cao độ mảnh của dáng, nhưng với composite điều này không hề khó… (PL. H.3.39) 

Từ những lợi ích thực tế mà vật liệu composite mang đến cho chúng ta những giá trị cao hơn về mặt thẩm mỹ trong nhận thức của người dân, những giá trị về văn hóa, nhân văn đối với cộng đồng và xã hội. Những tác phẩm, sản phẩm của điêu khắc sẽ trở nên gần gũi với cuộc sống của con người và trở thành nhu cầu về nghệ thuật, nâng cao trình độ thẩm mỹ….

3.2.1. Giá trị thẩm mỹ.

Nghệ thuật không phát triển bên ngoài của cuộc sống, nó phát triển ngay trong nội tại của từng thời kì, chính vì vậy mà nó mang nặng những yếu tố của thời đại đó.

Điêu khắc hiện đại hầu như gắn liền với cuộc sống và đáp ứng ngày càng cao thị hiếu và thẩm mỹ của công chúng. Vì lẽ đó, việc tìm tòi, sáng tạo và ứng dụng vật liệu mới là một tất yếu. 

Giá trị thẩm mỹ trong các tác phẩm điêu khắc ứng dụng là không thể phủ nhận, nhìn vào một tác phẩm điêu khắc ta thường cảm nhận nó bằng thị giác, sau đó mới là xúc giác.

 

 

3.2.1.1. Màu sắc trong điêu khắc

Màu sắc trong điêu khắc có tác dụng thể hiện được những ý tưởng táo bạo của tác giả. Nhìn vào các tác phẩm điêu khắc với kích thước lớn nhiều người không khỏi trầm trồ. Các khối liền mạch, hoặc ở các tấm phù điêu lớn không có mối ghép nối nhờ composite, đây vốn là chất liệu có tính năng hàn gắn tuyệt vời. Hơn thế nữa, khi đưa màu sắc vào sử dụng tạo chất bề mặt, nó vừa có tác dụng làm tôn vẻ đẹp của tác phẩm lại vừa có thể sửa chữa được những khiếm khuyết của tác phẩm.

Trong nghệ thuật điêu khắc không phải chỉ có vẻ đẹp của hình khối, chất liệu, bên cạnh đó màu và ánh sáng màu đã làm cho điêu khắc trở lên hấp dẫn hơn, tươi mới hơn rất nhiều.

Việc sử dụng màu sắc trong điêu khắc, điêu khắc ứng dụng xuất hiện như một điều tất yếu trong lịch sử nghệ thuật, ngoài việc muốn thể hiện một sự biểu cảm mới mẻ. Việc sử dụng màu sắc trên tượng, phù điêu khi đặt trong không gian môi trường thì màu sắc cũng đóng góp một phần không nhỏ vào việc làm tăng mĩ cảm của toàn bộ tổng thể bố cục chung của tác phẩm.

  • Màu sắc các tác phẩm, sản phẩm điêu khắc trong không gian ngoài trời:  

Tác phẩm điêu khắc đặt ở không gian bên ngoài, màu sắc của thiên nhiên như màu lá cây, cảnh vật xung quanh và cả của ánh sáng thiên nhiên có ảnh hưởng rất nhiều lên màu sắc của tác phẩm.

Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi xuất hiện các hình vẽ đơn sơ (những hình kỉ hà) trên những vách đá, hang động, trải qua những biến động cũng như thăng trầm của lịch sử loài người, đã xuất hiện nhiều trường phái và khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Từ mỹ thuật cổ đại đến Ai cập, Lưỡng hà, Hy lạp, La mã, và dần biến chuyển thành những cột mốc đầy dấu ấn như Trung cổ, Gôtich… Mỗi thời kì đều có những dấu ấn phản ánh riêng biệt, cho đến nay nghệ thuật đã thay đổi nhiều, xuất hiện những hướng khám phá nghệ thuật mới. Xét riêng về điêu khắc cũng có những thay đổi so với các thời kì trước, những cách thức mới ra đời, đa dạng về chất liệu cũng như hình thức, những cách thể hiện mới phong phú và mang những sắc thái biểu đạt về cách tạo hình, xây dựng bố cục… 

Trong các thời kỳ lịch sử của ngành điêu khắc, ta có thể thấy được hầu hết các tác phẩm điêu khắc không sử dụng màu sắc, thường là màu tự thân của chất liệu như đá, đồng, gỗ… Để cảm nhận một tác phẩm điêu khắc, người ta thường nhìn thấy hình khối ba chiều của nó, điều đầu tiên là cảm nhận về đường nét, hình khối và sau đó là chất liệu.

Ở phương Đông, nghệ thuật điêu khắc sử dụng màu trong mô-típ tôn giáo, những tác phẩm điêu khắc thường sử dụng màu, được sơn son thiếp vàng. Ta có thể bắt gặp cả những chất liệu bằng gốm thường sử dụng thêm màu men để tăng thêm phần biểu cảm. Đó chính là đặc điểm của điêu khắc tôn giáo ở Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. 

Ở phương Tây thì việc sử dụng màu sắc trong điêu khắc không còn là điều mới mẻ. Thủa ban đầu người Hy Lạp xưa đã dùng màu vẽ các chi tiết thực lên mắt, mũi, lông mày, môi… để làm cho bức tượng giống như người thật. Những bức tượng bằng đồng như tượng thần Dớt, tượng thần Atena còn được dát vàng, ngà voi, đá quí, mắt được làm bằng kim cương… Người ta còn tìm thấy ở Ai Cập những bức tượng mô tả như thật về các chi tiết cũng như màu sắc trên khuôn mặt tượng… 

Màu sắc trong điêu khắc không những có tác dụng thể hiện được những ý tưởng táo bạo của tác giả mà còn sửa chữa được những khiếm khuyết của chất liệu, tạo màu và nối các khối với nhau. 

Điêu khắc không phải chỉ có vẻ đẹp của hình khối, chất liệu. Màu và ánh sáng màu đã làm cho điêu khắc trở lên hấp dẫn, mới mẻ. Từ những năm 40, màu sắc của nhà điêu khắc Calder đã mở màn cho hàng loạt những những khai thác mới trong các tác phẩm của mình. Các tác phẩm điêu khắc hiện đại đã xuất hiện những tác phẩm cực kì ngẫu hứng, màu sắc phong phú. Nhưng một tác phẩm điêu khắc vẫn là một tác phẩm điêu khắc, nó vẫn mang các đặc trưng của điêu khắc chứ không phải là một tác phẩm hội hoạ. Cho dù có dùng màu thì nó vẫn là một khối vật chất ba chiều có sự chuyển biến của khối - hình , có sự vận động các chiều hướng và làm nó trở lên đẹp hơn, hấp dẫn hơn chứ không làm mất đi giá trị đích thực của tác phẩm. 

Việc sử dụng màu sắc trong điêu khắc ngoài trời xuất hiện như một điều tất yếu trong lịch sử nghệ thuật. Ngoài việc muốn thể hiện một sự biểu cảm mới mẻ, việc sử dụng màu sắc khi đặt tác phẩm trong không gian ngoài trời cũng đóng góp một phần không nhỏ vào việc làm tăng mỹ cảm của toàn bộ tổng thể bố cục chung của tác phẩm. 

Màu sắc tượng trang trí thường gần với thiên nhiên. Khi đặt một tác phẩm điêu khắc ra không gian ngoài trời, tác giả thường băn khoăn và trăn trở liệu màu sắc của tác phẩm mình làm ra có phù hợp với nơi đặt để tác phẩm không? Có làm tôn lên vẻ đẹp của nó hay không? Quả thật, điều này rất quan trọng.

Việc đưa màu vào một tác phẩm điêu khắc là một sự giải toả những cảm xúc nghệ thuật một cách nhanh chóng và mạnh mẽ mà không thông qua việc xử lí hình khối của tác phẩm. Đặt một tác phẩm điêu khắc ngoài trời là đồng nghĩa với việc phải nắm được toàn bộ những quy tắc về luật phối cảnh của cảnh quan tự nhiên với tác phẩm của mình. Đưa tác phẩm của mình hoà nhập vào thiên nhiên, tạo ra ấn tượng đồng điệu với cảnh quan, tạo được sự thú vị đối với con mắt của người thưởng lãm. Nhưng không có nghĩa là cứ dùng màu là tạo được những thay đổi của không gian điêu khắc. Nói một cách tổng quát, màu sắc có thể tôn một tác phẩm điêu khắc lên một tầm mới, ấn tượng hơn, hấp dẫn hơn nhưng có thể màu sắc làm cho tác phẩm trở lên thô kệch và chướng mắt nếu màu sắc trong tác phẩm trở lên đối chọi hay phá vỡ khung cảnh xung quanh. 

Chính vì lẽ đó, một số tìm tòi trong điêu khắc hiện đại đã sử dụng màu sắc một cách mạnh bạo. Quan niệm của nghệ thuật điêu khắc đã từng có một thời bị áp đặt bởi những quan niệm khác nhau, đã có thời người ta quy chuẩn rằng phải làm tượng theo khuôn mẫu nhất định. Người ta cho rằng chỉ có khối vật chất cụ thể mới là điêu khắc, nhưng sự lặp lại nhàm chán đó khiến các nghệ sĩ trẻ cảm thấy bị bó buộc và tù túng. Người ta đi tìm những cái mới, khát khao đi đến với cái đẹp, cái mới lạ và đầy cảm hứng với những thể nghiệm và tìm tòi táo bạo để đưa hình khối hoà với không gian.

Những ý đồ sử dụng khoảng trống là một bộ phận của hình khối, đã tạo ra những tác phẩm gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn. Đến một thời điểm, khoảng không gian trống trong tác phẩm là một điều không thể thiếu và đương nhiên nó chiếm một vị trí quan trọng trong việc góp phần tạo nên cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật. Nhờ đó, sự tìm tòi về màu sắc trong tác phẩm cũng đã được chuyển sang một khía cạnh mới, phát triển mạnh mẽ, gây ra những đột phá và có những thành công không thể chối cãi. 

Thời gian qua và con người cũng dễ dàng chấp nhận trong việc tháo bỏ các quy tắc của những ràng buộc. Ngoài những chất liệu sẵn có, người ta còn thử nghiệm những chất liệu mới nhằm tạo cho tác phẩm của mình một ngôn ngữ mới. Việc phối hợp những màu sắc rực rỡ trên cùng một tác phẩm cũng không phải là điều mới mẻ. Không nói đến việc tô màu trên tượng mà thế giới đã có từ nhiều thế kỉ trước, chỉ riêng mảng điêu khắc hiện đại cũng có những bộ mặt mà màu sắc cũng đóng góp rất lớn vào nền điêu khắc hiện đại nói chung và nảy sinh một xu hướng mới của điêu khắc màu. Calder là người nổi trội trong việc dùng màu sắc trong tác phẩm của mình, ngoài việc dùng màu để cho tác phẩm của mình trở lên ấn tượng, ông còn quan tâm đến việc kết hợp tác phẩm với môi trường xung quanh. Với những mảng màu mạnh mẽ và đối chọi: đỏ, cam, lam, vàng, đen… đã tạo ra một không gian mới mẻ, tươi trẻ, bay bổng và thần tiên như cổ tích. Nếu những tác phẩm ấy, không gian ấy, chuyển động ấy chỉ đơn thuần là màu của sắt, thép thì nó vẫn đẹp, vẫn sống động, song nó mất đi vẻ tươi tắn trẻ trung và cảm giác gần gũi với thiên nhiên, với con người. (PL. H.3.37)

Cho đến cuối thế kỉ XX, sự giao thoa của hội hoạ và điêu khắc ngày càng mạnh mẽ. Những ảnh hưởng của hội hoạ - điêu khắc tạo ra một vẻ mặt mới cho nghệ thuật. Có thể nói rằng việc làm cho tác phẩm điêu khắc có màu cũng giống như việc làm cho tác phẩm hội họạ có được một không gian mà người ta có thể bước vào, có thể sống trong nó… Có màu sắc, sự bó hẹp của không gian điêu khắc trong giới hạn của bề mặt hình khối không còn là điều cản trở. Điều này làm phá vỡ cảm giác đồng nhất của chất liệu khi người ta xử lí màu trên tác phẩm theo ý muốn chủ quan, có khi mức độ màu dầy đặc trên tác phẩm, có khi chỉ là điểm xuyết… Phá đi sự cảm nhận liền mạch của thị giác đối với hình khối và đôi khi hướng người xem đến với một mạch cảm xúc khác. Đó chính là sự phong phú của việc dùng màu trên tác phẩm.

Những tác phẩm có nhiệm vụ trang trí điểm xuyết, hỗ trợ cho không gian nào đó, thì việc dùng màu thường tinh tế, kín đáo hơn. Có thể chỉ để điểm màu, gây một sự thú vị nho nhỏ hay gợi một thoáng cảm xúc lạ trước một quần thể không gian chung. 

Không thể nói rằng màu sắc trong điêu khắc xuất hiện chỉ là một trào lưu mới mẻ của lịch sử mỹ thuật vốn đã có quá nhiều biến động và thay đổi. Chúng ta hãy xem tác phẩm điêu khắc màu khi chúng được đặt vào một không gian của thiên nhiên ấn tượng như thế nào? Nếu so sánh với sự chuyển động cuồn cuộn trong các tác phẩm của Michenlanghelo, sự êm đềm lãng mạn trong những hình thể của Rodin, những hài hoà và cân bằng của Henrrymore, sự tinh tuý và khoa học của Brancusi hay những khối hình như hư ảo của Giacometti… thì ta cũng đã thấy được sự kì vĩ và phong phú của nghệ thuật điêu khắc. Nhưng liệu ta có thể dửng dưng trước sự rực rỡ trong những tác phẩm của Calder bởi cái hoành tráng của màu sắc kết hợp với khung cảnh thiên nhiên. Ngoài việc làm cho điêu khắc trở lên sống động bởi sự dịch chuyển của hình khối trong không gian, thì bằng những màu sắc đầy chất trang trí, ông đã làm cho tác phẩm điêu khắc hoà với thiên nhiên, một không gian thiên nhiên nghệ thuật đầy cảm xúc và chứa những gam màu mạnh mẽ, đơn giản và mang những xúc cảm nghệ sĩ.

Không thể nói rằng màu sắc trong điêu khắc ngoài trời là đẹp hay không đẹp, cái quyết định chính là tư duy thẩm mĩ của nghệ sĩ, người nghệ sĩ tạo ra một tác phẩm, và tác phẩm đó thực sự đẹp, đầy xúc cảm của vẻ đẹp thì tác phẩm ấy sẽ được công chúng đón nhận.

  • Màu sắc các tác phẩm, sản phẩm điêu khắc sử dụng trong không gian nội thất  

Với sự phát triển đa dạng và tất yếu của màu sắc trong điêu khắc, điêu khắc vật liệu composite dường như là một sự lựa chọn tốt về màu sắc. Các tính năng ăn sơn, bề mặt bóng, mờ, sần, nhẵn, ….đều có thể đáp ứng được về ý tưởng sáng tạo, yêu cầu thiết kế không gian, kiến trúc…

Đòi hỏi sự phù hợp của màu sắc, chất liệu rất cao, màu sắc của tác phẩm đặt trong không gian trong nhà phải phù hợp với màu sắc chung của cả không gian, đồ bày trong nhà, vì một phần ánh sáng trong nhà không được như ánh sáng ngoài trời, không gian trong nhà là do ánh sáng nhân tạo (đèn, cửa sổ, độ rộng, hẹp của không gian…), sự phản chiếu của tường, đồ vật, bị bó hẹp như vậy, tác phẩm đó đòi hỏi nếu sử dụng màu nào, tác giả phải chọn gắn với “cái nền” trong nội thất.

Với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hoặc những sản phẩm mang tính chất hàng dân dụng, hàng trưng bày đơn thuần thì việc tạo màu có thể thực hiện bởi những người công nhân có tay nghề và mắt nhìn, kinh nghiệm là có thể hoàn thành tốt nhưng với các tác phẩm đòi hỏi tính thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật cao thì không thể thiếu bàn tay tài năng của người nghệ sỹ, việc tạo sáng tối, đậm nhạt, độ chín cho màu sắc chất liệu của tác phẩm không phải là điêu đơn giản. Nhà điêu khắc đồng thời là một hoạ sỹ vẽ tranh trên những tác phẩm điêu khắc của mình. Các tác phẩm khi được hoàn thiện nó là một sự tổng hòa tài năng của người nghệ sỹ. Như vậy chúng ta có thể thấy mặc dù tác phẩm được làm từ vật liệu composite nhưng hoàn toàn có những giá trị nghệ thuật đặc biệt của nó, giá trị thẩm mỹ đôi khi còn đòi hỏi sự kỳ công còn lớn hơn cả các tác phẩm được tạo ra từ các chất liệu quen thuộc trong điêu khắc khác

 

3.2.1.2. Giá trị hình khối

 

Composite trong điêu khắc về cơ bản chỉ là một loại vật liệu chuyển thể ý tưởng của tác giả từ mô hình đất sét sang một vật liệu bền vững hơn, về bản chất composite không có những giá trị về mặt chất liệu -  vẻ đẹp khối tự thân (giống như gỗ, đá, đá quý, kim loại,….). Một tác phẩm, sản phẩm điêu khắc có giá trị vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào con mắt và tay nghề của người nghệ sỹ, từ việc lên ý tưởng, về mặt hình khối, với các tác phẩm, sản phẩm điêu khắc ứng dụng chúng ta có thể quản lý tốt, những tác phẩm được tạo ra từ vật liệu composite thì đều phải tạo khuôn mẫu trước, sau đó chúng ta mới tiến hành đúc, đổ ra phôi sản phẩm và hoàn thiện bề mặt, một điều thuận lợi cho các nhà tạo hình đó là, ngay từ khâu lên ý tưởng cho tác phẩm, tác giả đã định hình tác phẩm hoàn thiện sau cùng là chất liệu gì, bề mặt ra sao? Nên ngay khi nặn phôi mẫu trên đất sét tác giả đã có ý thức tạo chất liệu cho bề mặt sản phẩm ví dụ như chất liệu gỗ thì tạo những vết mache là những nhát rìu, những vết đục thậm chí cả những thớ, vân gỗ đặc thù của loại gỗ sử dụng, sau khi bề mặt của khối được tạo chất, đến quá trình đổ khuôn và đúc, đổ tạo sản phẩm nhìn vào phôi sản phẩm chưa cần tạo màu ta đã có thể có những cảm nhận về khối chất liệu, và điều quan trong nữa là, sau khi các tác phẩm, sản phẩm điêu khắc được đổ thành một sản phẩm phôi composite thì vẫn không thể thiếu bàn tay tài năng của người nghệ sỹ.

Tác phẩm, sản phẩm bằng chất liệu composite có trở nên giá trị hay không với vật liệu composite đặc thù lại phải hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của nghệ sỹ, khác với các chất liệu tự nhiên như đá, gỗ, kim loai,…. Khi tác phẩm được hoàn thành ở khâu tạo hình khối hoặc đúc đổ sản phẩm, về cơ bản sản phẩm đã có giá trị và vẻ đẹp riêng của nó, nhưng với composite nếu dừng lại ở khâu đúc đổ sản phẩm phôi thì lại chưa thực sự có giá trị hoặc nếu có chỉ có thể có với 50% giá trị tác phẩm, sản phẩm.

Trong những năm gần đây trong các cuộc triển lãm, từ các cuộc triển lãm khu vực, cấp địa phương đến cấp trung ương, triển lãm cá nhân hay của nhóm…đã thấy xuất hiện rất nhiều các tác phẩm của các nghệ sỹ được trưng bày thể hiện bằng vật liệu composite với đa dạng các chất liệu và màu sắc. (PL. H.3.40)

Với cách chuyển thể nội dung tác phẩm, sản phẩm bằng vật liệu composite đã đem lại rất nhiều những lợi ích.

Đối với nghệ thuật người nghệ sỹ vẫn biểu đạt, truyền tài nội dung ý tưởng của mình vào các tác phẩm môt cách hoàn chỉnh nhất, đôi khi nó còn trở thành sự chọn lựa không thể tốt hơn đối với một số tác phẩm đặc biệt - đòi hỏi kỹ thuật thể hiện khó. Với vật liệu composite giúp cho các nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo không phải quá đau đầu với bài toán kết cấu, các vết nối ghép hay việc quản lý được thời gian tiến độ làm việc của tác phẩm .

Về giá trị của việc giả chất liệu bề mặt giống các chất liệu tự nhiên cũng có những giá trị lớn như là: đảm bảo cho tác phẩm có hình thức biểu đạt tốt, (thể hiện các khối đá, đồng, gỗ…) đẹp về mặt thẩm mỹ, không bị nặng về chi phí sản xuất, tránh được là những tác nhân làm tổn hại môi trường - Bảo vệ tài nguyên tự nhiên, tránh cả những rủi ro về nạn mất cắp nếu là các tác phẩm kích thước nhỏ đặt ngoài trời (ví dụ tác phẩm kích thước nhỏ, chất liệu đồng để ngoài trời, việc bị đánh cắp là việc sớm muộn...)

Nhờ có những gía trị như biểu đạt hình khối tốt, có thể tạo ra các tác phẩm mới mọi kết cấu khó nhất, màu sắc ưu việt nhất, độ bền tốt, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chịu va đập, không lo mất cắp, giá thành hạ… nên việc đưa nghệ thuật đến với công chúng dễ dàng hơn, các tác phẩm điêu khắc có thể được đến với mọi người, chinh phục và được các “không gian khó tính nhất”.

3.3.  ĐIÊU KHẮC ỨNG DỤNG Ở VIỆT NAM - TIỀM NĂNG TRONG TƯƠNG LAI.

 

Trong quá trình thực nghiệm, nghiên cứu về vật liệu composite sử dụng trong sản xuất các tác phẩm, sản phẩm điêu khắc ứng dụng dùng cho trang trí ngoài trời và trang trí trong nhà. Tác giả nhận thấy rất nhiều mặt tích cực của vật liệu này đem lại cho cuộc sống và đem lại những giá trị nghệ thuật nhất định. Xu hướng phát triển các vật liệu mới, thay thế dần các vật liệu khai thác từ thiên nhiên là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Tuy nhiên không phải cái gì có lợi và mới mẻ đều được chúng ta đón nhận một cách dễ dàng, nó là cả một quá trình tiếp cận, đổi mới, kế thừa và phát triển.

Những nỗ lực tìm ra các vật liệu mới của nền khoa học vật liệu tiên tiến trên thế giới, sẽ có thêm động lực nhiên cứu nếu như những thành quả của các nhà nghiên cứu được ứng dụng một cách rộng rãi, giúp ích trong thực tế phát triển của xã hội.

Việt Nam là một nước kinh tế đang phát triển, việc tiếp cận khoa học công nghệ cũng rất được quan tâm, chúng ta phát triển sau nhưng không có nghĩa là chúng ta tiếp cận chậm, không bắt nhịp với xu hướng phát triển toàn cầu. Những năm gần đây Đảng và nhà nước ta đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển các nguồn nguyên liệu sạch, thân thiện môi trường. Đã có những chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu để phát triển và tìm ra những hướng phát triển, ứng dụng mới cho các vật liệu mới.

Ví dụ như năm (2001 - 2004) tại trung tâm nghiên cứu vật liệu polyme đã hoàn thành dự án phòng thí nghiệm trọng điểm vật liệu Polyme và composite với tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng.

 Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc phát triển và ứng dụng vật liệu mới, nhằm nâng cao chất lượng sống, giảm sức lao động.

Tuy nhiên trong những năm vừa qua, chưa có một văn bản, quy định cụ thể áp dụng cho ngành xây dựng, kiến trúc, trang trí các công trình về quy định các hạng mục mỹ thuật được phép sử dụng là bao nhiêu phần trăm trên tổng vốn dự án (trong đó có hội họa, điêu khắc…). Nhất là vật liệu composite được sử dụng bao nhiêu m2 đối với các loại dự án khác nhau là chưa có. Ở một số nước trên thế giới có quy định rất rõ ràng, có nước quy định phần trăm mức độ đầu tư trên tổng dự án là 5%, có nước là 7%…

Hiện nay ở Việt Nam, ngày 22 tháng 08 năm 2014 - Thủ tướng chính phủ ký văn bản: “Quy định tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng dẫn năm 2030”. Số: 1469/QĐ-TTg, trong đó có quy định về sử dụng vật liệu cho ngành xây dựng. Văn bản này cũng có quy định hạn mức được phép sử dụng vật liệu tổng hợp cốt sợi là 96,3 triệu m2 (năm 2015) và đến năm 2020 là 106,5 triệu m2… Nhưng đây là mức quy định chung cho toàn ngành xây dựng ứng dụng vật liệu tổng hợp cốt sợi, chưa phải là quy định chung cho vật liệu tổng hợp cốt sợi sử dụng nền nhựa.

Vấn đề ứng dụng vật liệu composite trong mỹ thuật nói chung và trong điêu khắc ứng dụng nói riêng ở Việt Nam; Theo quan điểm cá nhân và theo những nghiên cứu đánh giá của tác giả thì cơ hội phát triển, ứng dụng vật liệu composite tại Việt Nam là rất tiềm năng và có cơ sở, chẳng hạn:

  • Ứng dụng vật liệu composite vào một số mô hình sản xuất hàng quà tặng văn hóa có kích thước vừa và nhỏ  

Chúng ta vốn là nước tiếp cận văn hóa, khoa học công nghệ rất nhanh. So với một số nước trên thế giới là một nước có diện tích không lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng lại đông dân cư. Việc tiếp cận, đón nhận và phát triển chất liệu mới là một xu thế phát triển của xã hội hiện đại, chúng ta có thể phát triển vật liệu composite trong chế tác các sản phẩm điêu khắc với kích thước vừa và nhỏ để ứng dụng trong trang trí các công trình dân dụng, trong lĩnh vực quà tặng, sản phẩm văn hóa quảng bá du lịch…

Tác giả có trao đổi mối quan tâm nghiên cứu của mình về vấn đề: “Phát triển quà tặng du lịch đặc trưng từng vùng miền từ vật liệu composite” với Tiến sỹ Lê Doãn Hợp - Chủ tịch hội truyền thông số Việt Nam, Nguyên ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, tại Tầng 7 toà nhà C'land - 156 Xã Đàn II. Đống đa, Hà Nội - ngày 5 tháng 1 năm 2015. Với kinh nghiệm hoạt động, quản lý trong lĩnh vực văn hóa ông chia sẻ  nhận định về nội dung này: “ Phát triển các sản phẩm quà tặng đặc trung mang tính chất văn hóa vùng miền trên phạm vi toàn quốc (63 tỉnh thành) của chúng ta hầu như chưa có nhiều, các sản phẩm đặc trưng để giới thiệu văn hóa vùng miền, có những vùng miền được biết đến là sông núi thiên nhiên, danh lam thắng cảnh đẹp, có vùng miền thì nổi tiếng với những di tích lịch sử, có vùng lại gắn liền với các chiến công kỳ tích trong lịch sử đấu tranh bảo về dân tộc, có vùng thì nổi tiếng về chất liệu văn hóa âm nhạc dân gian… Nếu chúng ta biết khai thác, chắt lọc các giá trị văn hóa này thành những tác phẩm, sản phẩm quà tặng, quảng bá văn hóa du lịch thì nó vừa có thể giới thiệu văn hóa địa phương, vừa phát triển kinh tế và giải quyết cả về vấn đề lao động địa phương…” Với khách du lịch dù là người ở tỉnh thành khác hoặc là khách nước ngoài, ai khi đi qua từng miền đất đều cũng muốn có một vật kỷ niệm đặc trưng để lưu lại hoặc để tặng những người thân, bè bạn.

Từ những thói quen rất đời thường như thế nhưng nó mở ra cơ hội phát triển cho ngành quà tặng văn hóa du lịch một khởi đầu mới. Đây chỉ mới là một định hướng nhỏ trong hướng phát triển đưa vật liệu composite vào điêu khắc ứng dụng tại Việt Nam.

 

  • Ứng dụng vật liệu composite vào công tác tuyên truyền về tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc cho các chiến sỹ thuộc khối quân đội.

Cũng nằm trong hướng phát triển nghiên cứu đưa composite vào điêu khắc ứng dụng tại Việt Nam, tác giả có tìm gặp và trao đổi với ông Nguyễn Huy Hiệu-Thượng tướng, tiến sỹ - Viện sỹ, Anh Hùng lục lượng vũ trang Nhân Dân nguyên ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng, nguyên thứ trưởng bộ quốc phòng, tại nhà riêng số 19 Hoa Bằng, Yên Hoà Cầu Giấy vào 8 tháng 1 năm 2015. Về việc tuyên truyền tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh, xả thân vì dân tộc của quân và dân ta bằng hình thức đưa những bức tranh phù điêu hoành tráng, trang trí bằng các hệ thống tượng vườn, tượng trang trí trong không gian, kiến trúc, hệ thống tượng đài trong khuôn viên của 7 quân khu (khuôn viên các bộ tư lệnh, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, các sư đoàn, các lữ đoàn, các trường quân sự…) được diễn tả cô đọng, mang tính giáo dục và có giá trị  nghệ thuật, qua những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ứng dụng từ vật liệu composite thì sẽ như thế nào?

Ông chia sẻ: “Ông được biết về những tính năng nổi trội của composite rất nhiều từ lúc còn hoạt động trong quân đội và cho đến hiện tại. Nếu vật liệu composite được ứng dụng vào nghệ thuật điêu khắc, để vừa giáo dục tinh thần, nâng cao ý chí, lòng yêu nước, tự hào dân tộc của toàn quân, đồng thời nâng cao giá trị thẩm mỹ cho các cán bộ, chiến sỹ thì là một điều rất tốt, rất nên làm. Ông cũng cho biết để làm một tượng đài hay những bức tranh phù điêu hoành tráng bằng đá hoặc bằng đồng thì kinh phí rất lớn, tuy nhiên nếu làm bằng vật liệu composite thì giá thành phù hợp hơn rất nhiều, mức độ đầu tư không lớn nên  có thể sử dụng rộng rãi cho toàn quân. Điều này là điều đáng làm.”

  • Ứng dụng vật liệu composite trong bảo tồn, kế thừa, phát huy nét kiến trúc văn hóa cổ của người Việt

Trong quá trình thực hiện luận văn, tác giả cũng quan tâm đến vấn đề này nên đã có cuộc điền dã vào tháng 12 năm 2014 - khu vực miền Trung. Khi thực hiện chuyến khảo sát về nội dung “Phát triển vốn cổ, kiến trúc nhà của người Việt trên vật liệu composite hiện đại”. Một điều đáng mừng đó là người dân ở các vùng miền nói chung và ở các thành phố nói riêng cũng rất quan tâm đến giá trị văn hóa truyền thống. Các ngôi nhà gỗ được cất lên theo phong cách, kiến trúc người Việt, với các vì kèo, đố ngang, dọc, cột, mái… Tuy nhiên có một thực tế đó là chúng ta vẫn sử dụng vật liệu tự nhiên khá nhiều chủ yếu là gỗ (có thể từ các nguồn chính danh khai thác, được cấp phép sử dụng hoặc cũng có thể được dùng từ nguồn khai thác tự do của người dân mà không được cấp phép), không phải ai cũng có điều kiện để cất được một ngôi nhà gỗ khang trang và đúng phong cách, kiến trúc của người Việt.

            Qua khảo sát tại hai khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận về kiến trúc của người Việt, tác giả được biết: các ngôi nhà cất lên được giới chuyên môn đánh giá cao về tay nghề, hình thức thể hiện và kỹ thuật tốt nhất vẫn là do những người thợ, những nghệ nhân, thuộc khu vực miền Trung làm nên. Để tìm hiểu cặn kẽ hơn tác giả đã có chuyến điền dã về miền Trung, đến một cơ sở nổi tiếng nhất về phục dựng kiến trúc nhà gỗ, tại đây rất nhiều những người thợ khéo tay, lành nghề của đơn vị này đã lan tỏa ra khắp chiều dài, chiều rộng của đất nước, để thi công và phục dựng, dựng mới các căn nhà gỗ có giá trị về thẩm mỹ và mang đậm nét văn hóa người Việt. Cơ sở này chính là Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam – Vinahouse, nằm tại đường 608, xã Điện Minh, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam. Công ty này có khu xưởng gỗ rộng nằm trong khuôn viên của cả dự án với diện tích đất 240.000m2, diện tích xây dựng 80.000m2, diện tích trồng rừng 250.000m2, số công nhân, thợ lành nghề lên đến 1.400 người, (có các cơ sở mở rộng ở cả Hà Nội, Hải Phòng, Đã Nẵng, Hồ Chí Minh…)

            Tại Bảo tàng Kiến Trúc Nhà Việt – Vinahouse trên đất Quảng Nam các ngôi nhà gỗ (nhà cổ hàng trăm năm tuổi) được sưu tầm và trưng bày thực với đúng diện tích và kiến trúc cảnh quan, theo phong cách người Việt xưa. Qua tìm hiểu, ngoài việc phục chế các căn nhà gỗ trên toàn quốc, đơn vị này còn mở bảo tàng tư nhân, khai thác quảng bá du lịch văn hóa làng nghề gỗ cổ truyền, quảng bá nét đẹp của kiến trúc Việt. Chính nhờ những giới thiệu văn hóa kiến trúc một cách rộng rãi và chuyên nghiệp đến tất cả những người có nhu cầu quan tâm đến nhà gỗ cổ, nên những năm gần đây đơn vị này đã nhận được hơn 1000 đơn đặt hàng, cất dựng nhà mới, đúng phong cách kiến trúc người Việt. Nhìn về tầm vóc, quy mô, hướng đi tương lai của kiến trúc nhà gỗ cổ phát triển tại Việt Nam, người nghiên cứu chỉ có băn khoan: Việc khai thác rừng về lâu dài sẽ như thế nào? Một căn nhà cất dựng bằng gỗ, chi phí thậm chí lên đến hơn 30 tỷ đồng Việt Nam, với những căn có quy mô. Liệu chúng ta có phát triển theo diện rộng được không?

Có hay chăng chúng ta nên quảng bá phát triển “văn hóa kiến trúc nhà Việt” thay vì “nhà Gỗ”?

Công nghệ vật liệu mới ra đời nhằm phục vụ nhu cầu đổi mới của xã hội con người, chúng ta vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng phải kế thừa và phát huy nó ở hình thức khác. Người nghiên cứu có buổi trao đổi với ông Lê Quang Vĩnh, giám đốc Công ty CP Nhà Việt Nam – Vinahouse, về vấn đề : “Tạo dựng hình thức kiến trúc văn hóa người Việt với chất liệu “giả gỗ” bằng công nghệ composite”, các hoa văn cầu kỳ với đường nét chạm khắc tinh tế và vẫn là những người thợ lành nghề, khéo tay này làm nhưng kết hợp công nghệ đổ khuôn, tạo ra sản phẩm là những chi tiết bằng chất liệu composite giả gỗ, chất liệu mới này có thể hình thức đạt đến 90% về độ đẹp và giống với chất liệu tự nhiên, các tính năng của chất liệu mới này thì khá là ổn định và tốt so với các chất liệu tự nhiên. Giá thành của vật liệu composite phù hợp với mức sống của người dân, mong muốn quảng bá văn hóa kiến trúc “Ngôi Nhà Việt” sẽ dễ dàng được nhân rộng và sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Ông Vĩnh rất tán thành và trong tương tai có thể suy nghĩ phát triển theo hướng đi mới này,….Và còn rất nhiều các hình thức ứng dụng và phát triển chất liệu composite trong thực tế mà phạm vi nghiên cứu luận văn chưa cho phép.

Nằm trong hướng phát triển của ngành công nghệ composite, ứng dụng vào lĩnh vực nghệ thuật nhất là điêu khắc ứng dụng thì:

  • Ứng dụng khoa học công nghệ vật liệu với công tác đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. (ví dụ một số gợi ý bổ xung vào giáo trình đào tạo sinh viên tại trường Đại học Mĩ thuật công nghiệp, cụ thể tại ngành điêu khắc)

+ Quan tâm đến nội dung đào tạo, đào tạo sinh viên tiếp cận, sử dụng và làm chủ các công nghệ, vật liệu mới nhất là composite trong điêu khắc ứng dụng.

Mô hình “học đi đôi với hành” là một mô hình đào tạo khá thực tế, ở rất nhiều nước trên trên thế giới và khu vực, việc một trường đại học có những xưởng thực nghiệm  là điều rất cần thiết và hiển nhiên, tuy nhiên ở Việt Nam, cụ thể ngay chính tại trường Mĩ thuật Công nghiệp hay Mĩ thuật Hà Nội, ngành điêu khắc là một ngành vô cùng cần thiết có xưởng thực nghiệm cho sinh viên, học viên thực hành thì hiện tại lại chưa có.

Là một người được đào tạo từ chính ngành điêu khắc của ngôi trường đại học Mĩ thuật Công nghiệp, sau khi dời ghế giảng đường người nghiên cứu may mắn vẫn được hoạt động trong ngành điêu khắc ứng dụng, điều mà người nghiên cứu nhận thấy và nó cần thiết đối với một sinh viên ra trường đó là ngoài những hiểu biết và tính sáng tạo được nâng cao một cách bài bản, hệ thống thì sinh viên ra trường cần có một vốn kiến thức nhất định về khoa học vật liệu, về các kỹ thuật sử dụng các vật liệu, tránh tình trạng “nguồn nhân lực chất lượng cao”, khi ra trường được các cơ sở tiếp nhận và  nguồn nhân lực này lại phải đào tạo ít nhất ba đến sáu tháng về kỹ thuật và vật liệu hoặc các kỹ năng mềm,....Muốn cải thiện những điều này có lẽ việc một xưởng thực nghiệm được thành lập sẽ giúp ích rất nhiều, nó sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới.

+ Cải tiến trong cách đào tạo ngay trong chính giáo trình của chuyên ngành điêu khắc: Mỹ thuật công nghiệp là trường đào tạo những sinh viên hoạt động trong ngành mĩ thuật ứng dụng, đối với ngành điêu khắc, các sản phẩm tạo ra từ ngành này, được đem ra ứng dụng, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu sử dụng của xã hội, Các nội dung trong chương trình đào tạo nên được gắn liền với thực tế ứng dụng trong xã hội : Đào tạo nội dung gì, có thể ứng dụng thực tế được các nội dung đó, không đào tạo lý thuyết suông; Sinh viên nên được nghiên cứu, thực hành về vật liệu ngay từ trong trường đại học.

+  Liên kết với các danh nghiệp, cơ sở sản xuất các mặt hàng điêu khắc ứng dụng, quà tặng, để tổ chức các cuộc thi sáng tác theo chủ đề ứng dụng vào thực tế nhu cầu xã hội, từ đó thúc đẩy tinh thần học, phát triển sự sáng tạo và tạo điều kiện cho sinh viên có thể có thu nhập ngay từ chính các bài học cụ thể, nhờ đó các sinh viên có những vận dụng thực tế và được ghi nhận ngay trong quá trình đào tạo của bậc đại học.

+ Có thể thành lập hệ thống gian hàng (siêu thị ý tưởng) ngay trong chính trường đại học: Trưng bày các bài tập tốt của sinh viêncủa các chuyên ngành trong đó có điêu khắc, hình thức như một khu trưng bày sản phẩm sáng tạo, các cá nhân, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước được phép tham quan, người tham quan có thể mua các ý tưởng này như một sản phẩm sáng tạo, từ các hệ thống gian hàng siêu thị này sẽ tạo nguồn thu cho nhà trường, cho khoa và cho chính sinh viên, quan trọng hơn cả đó là sự khích lệ to lớn đối với cá  nhân sinh viên, từ đó kích thích sự sáng tạo và ham học hỏi, tìm tòi của sinh viên, bản thân nhà trường và sinh viên sẽ có những cách tiếp cận, trau dồi thay đổi và phát triển để phù hợp với xu hướng xã hội; nhà trường và sinh viên sẽ bắt kịp với các xu hướng các nhu cầu thực tế của thị trường, việc đào tạo cũng sẽ hiệu quả hơn, sinh viên ra trường có kiến thức tự tế, doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động chất lượng cao này sẽ không phải tốn thời gian đào tạo lại. điều này cũng giúp sinh viên Mĩ thuật công nghiệp có tư duy công nghiệp nhanh nhạy – phù hợp với chính cái tên ngành tên trường mà mình được đào tạo...

Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài người nghiên cứu chỉ đưa ra những gợi ý mang tính chất nghiên cứu cá nhân, để áp dụng cụ thể những hướng đi đã  nêu ở trên là hoàn toàn có cơ sở nghiên cứu thực tế và có những giải pháp cụ thể, người nghiên sẽ trình bày chi tiết và có nghiên cứu kỹ lưỡng trong một chuyên đề, đề án chuyên sâu sau.

 

 

 

Tiểu kết

            Qua quá trình ứng dụng vật liệu composite vào việc sản xuất các sản phẩm điêu khắc, thực tế đã chứng minh những lợi ích mà vật liệu composite đem lại cho đời sống về các mặt thẩm mỹ cũng như các giác trị văn hóa cho con người. Lợi ích mà composite đem lại là rất lớn và sâu rộng trong nhiều lĩnh vực.

Trong quá trình đưa vật liệu composite và ứng dụng thực tế chúng ta cũng phải mất một thời gian dài composite mới ứng dụng rộng và chiếm được sự tin dùng của người sử dụng.

Việc tổng kết đánh giá các giá trị của vật liệu composite, những ưu nhược điểm của chất liệu này đã góp phần nâng cao nhận thức về vật liệu mới, vật liệu thân thiện môi trường và góp phần phổ biến nhân rộng các hình thức ứng dụng trong đời sống xã hội, kinh tế nói chung và cho phát triển nền điêu khắc ứng dụng nói riêng. Với những tính năng ưu việt trong quá trình thi công, độ bền của sản phẩm và giá thành dẫn đến khả năng sử dụng của các sản phẩm điêu khắc có áp dụng vật liệu này đối với tình hình kinh tế nước ta là rất khả thi. Góp phần giải được bài toán về chi phí đối với các công trình kiến trúc công cộng mang tầm vóc quan trọng cho đến những công trình mang tính cá nhân (nhà ở, công trình dân dụng).

Thiết nghĩ, việc quan tâm đổi mới trong cách đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điêu khắc trong tương lai cũng nên đưa vật liệu này vào chương trình đào tạo để sinh viên, học viên có thể tiếp cận và ứng dụng composite vào thực tế công việc sau này.

Tác giả cũng gợi mở những ý kiến cá nhân, đưa ra một số dẫn chứng, nhận định về cơ hội phát triển vật liệu composite vào thực tế điêu khắc ứng dụng tại Việt Nam trong tương lai. Từ những phân tích này người nghiên cứu rất mong đây tài liệu, là cơ sở để nghiên cứu thêm và phát triển vật liệu composite trong điêu khắc ứng dụng tại Việt Nam trong tương lai.

Các giải pháp thực tế để áp dụng vật liệu composite trong tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam từ các sản phẩm dân dụng, nhà ở, kiến trúc cho đến các sản phẩm văn hóa (quà lưu niệm), bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống là những hướng đi hết sức thực tiễn. vật liệu composite sẽ, đã và đang là chọn lựa hàng đầu của nhiều nhà nghệ thuật.

 

 

PHẦN KẾT LUẬN

Nghệ thuật và cái đẹp luôn song hành cùng cuộc sống con người từ bao đời nay, họ biết vẽ trước khi có tiếng nói, có chữ viết, trước cả các ngành khoa học… Những bức họa đầu tiên trong hang động, những bức tượng có tuổi đời hàng chục nghìn năm là minh chứng cho điều đó. Cuộc sống con người càng văn minh thì nghệ thuật cũng ngày càng được nâng cao hơn về nhiều phương diện.

Trong lĩnh vực điêu khắc, những vật liệu có trong tự nhiên là nguồn cảm hứng cho các nhà nghệ thuật tạo ra những tác phẩm đạt tới trình độ tinh xảo và đầy cảm xúc. Rất nhiều các tác phẩm được tạo ra từ các chất liệu có nguồn gốc tự nhiên như đá, gỗ, đất… đã trở thành những kiệt tác của nhân loại. Và hơn bất cứ một lĩnh vực nào khác, chất liệu trong điêu khắc là một phần không thể tách rời trong quá trình sáng tác.

Lần theo bước tiến của lịch sử loài người, những phát minh về khoa học công nghệ đã đưa con người đến cuộc sống hiện đại, đồng nghĩa với việc các chất liệu mới ra đời ngày càng nhiều để thay thế cho các nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt trong tự nhiên. Một trong những phát kiến quan trọng trong ngành công nghiệp vật liệu đó là sự ra đời của chất liệu tổng hợp composite (nhựa polyeste).

Chất liệu này đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, y tế, hàng hải, các ngành khoa học… và trong cả điêu khắc. Ở Việt Nam thì mãi đến những năm 1990, chất liệu này mới bắt đầu được áp dụng trong nghệ thuật. Cho tới nay thì nó được các nhà họa sĩ, điêu khắc gia sử dụng ngày càng nhiều bởi tính công năng vượt trội của nó. Từ khi chất liệu composite được sử dụng thì nền điêu khắc của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã tìm ra được nhiều giải pháp cho việc thi công các tác phẩm, sản phẩm có liên quan đến điêu khắc. Với các tính năng ưu việt không thể không nhắc đến như: bền, nhẹ, dễ thao tác, dễ gắn kết các bề mặt đối với các tác phẩm lớn, giải quyết được nhiều vấn đề trong thi công công trình, có giá trị kinh tế, dễ dàng tạo màu và tả chất các bề mặt chất liệu có trong tự nhiên và nhất là an toàn cho người sử dụng… Chính những lý do này đã đưa composite trở thành một vật liệu được nhiều người lựa chọn và là nguồn thay thế hữu hiệu cho các vật liệu tự nhiên.

Là một người hoạt động lâu năm trong ngành điêu khắc, tác giả thấy được lợi ích của composite mang lại là rất lớn. Việc áp dụng chất liệu này trong thực tế sáng tác và công việc liên quan đến điêu khắc ngày càng minh chứng cho điều đó. Hơn nữa, tìm tòi các phương thức để áp dụng chất liệu compostite trong điêu khắc và trong các ngành nghệ thuật nói chung sẽ mở ra nhiều hướng đi mới cho nền kinh tế, văn hóa nghệ thuật của chúng ta. Những sản phẩm lưu niệm quảng bá cho nền du lịch nước nhà, những sản phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của nội thất dân dụng, ứng dụng trong việc bảo tồn và phục hồi các di tích kiến trúc hay các giải pháp về kinh tế cho các công trình điêu khắc mang tầm vóc quốc gia là những hướng đi hoàn toàn thực tế và thiết thực.

Từ những lợi ích thực tế này sẽ mang đến cho chúng ta những giá trị cao hơn về mặt thẩm mỹ trong nhận thức của người dân, những giá trị về văn hóa, nhân văn đối với cộng đồng và xã hội. Những tác phẩm, sản phẩm của điêu khắc sẽ trở nên gần gũi với cuộc sống của con người và trở thành nhu cầu về nghệ thuật, nâng cao trình độ thẩm mỹ.

Vì vậy, việc phát triển những mô hình nghiên cứu - áp dụng chất liệu composite ở Việt Nam trong các ngành khoa học kỹ thuật nói chung và trong ngành điêu khắc nói riêng nên được khuyến khích phát triển và đầu tư thích đáng. Riêng đối với ngành điêu khắc, việc đào tạo nguồn nhân lực (các nhà điêu khắc gia, các công nhân có tay nghề trong chế tác sản phẩm composite…) cũng nên được quan tâm ngay từ bây giờ. Đó là nguồn nhân lực trong tương lai có thể đưa composite áp dụng rộng rãi trong đời sống của chúng ta.

Sẽ còn là một hành trình dài để có thể đưa ra được hết những lợi ích của chất liệu composite mang lại trong thực tiễn. Tuy nhiên những hướng đi mới, những phương thức mới đang mở ra cho chúng ta những cơ hội lớn nếu biết áp dụng một cách đúng đắn để đưa composite trở thành một chất liệu thông dụng và là một chất liệu của tương lai…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đặng Mai Anh, (2008), Hiệu quả thẩm mĩ của sản phẩm sơn ta trên nền cốt vóc composite, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
  2. Đặng Ân (2015), Ứng dụng của vật liệu composite, nguồn: http://vinafrp.com.vn/ung-dung-cua-vat-lieu-CPS_c24_d55.htm, [cập nhật: 02/3/2015]
  3. Gia Bảy (2007) Tượng và tượng thờ - thế nào cho phải – VNTN, nguồn: http://vannghethainguyen.vn/Default.aspx?tabid=119&&LoaiHienThi=TinTuc&NhomTin=28&ItemId=1978 [cập nhật: 13/8/2007]
  4. Nguyễn Đăng Cường (2006). Composte sợi thủy tinh và ứng dụng, NXB KHKT.
  5. Nguyễn Đăng Cường. (2006)Vật liệu composite, nhựa composite, nhựa polyester, từ cơ sở dữ liệu http://toantien.com/…/xu-the-phat-trien-va-ung-dung-composite , [cập nhật: 10/10/2006]
  6. Nguyễn Đăng Cường (2014) vật liệu composite – Tiền năng và ứng dụng, tại nguồn http://irgamme.uet.vnu.edu.vn/vat-lieu-CPS-tiem-nang-va-ung-dung, [cập nhật:1/11/2014]
  7. Nguyễn Đình Đức và Nguyễn Hoa Thịnh (2002). Vật liệu composite cơ học & công nghệ, NXB Khoa học và kỹ thuật HN.
  8. Trần Vĩnh Diệu (2007). Chế tạo cốt tấm phẳng từ vật liệu composite tổng hợp, Đề tài nghiên cứu khoa  học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
  9. Nguyễn Ngọc Dũng (2007). “Tượng ngoài trời và nghệ thuật biểu đạt”, Tạp chí Mỹ thuật, tại cơ sở dữ liệu (http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/2007/8/1245.html [cập nhật: 20/1/2007]
  10. Đức Dương (2014). Gỗ tự nhiên là gì, đặc tính của gôc tự nhiên,  , tại cơ sở dữ liệu http://noithatducduong.com/vat-lieu-sx/vat-lieu-go-tunhien/go-tu-nhien-la-gi-dac-tinh-cua-go-tu-nhien [ngày truy cập 3/3/2014]
  11. Hoàng Minh (2010) composite – phân loại (www.caosukythuat.net Theo Vinaskip, [cập nhật: 28/3/2010]
  12.  Nguyễn Quân (2005). Con mắt nhìn cái đẹp, NXB Mỹ thuật.
  13.  Chánh Tạo (2014)Hai vật liệu nhựa polyresin và nhựa composite trong sản xuất phù điêu tượng điêu khắc, tại cơ sở dữ liệu http://www.chanhtao.com/hai-vat-lieu-nhua-polyresin-va-nhua-CPS-trong-san-xuat-phu-dieu-tuong-dieu-khac [cập nhật: 19/07/2014]
  14. Đỗ Đình Tuyến ( 2013) “Ứng dụng vật liệu nhựa composite trong gia công mô Hình  sản phẩm tạo dáng công nghiệp”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.
  15. Nguyễn Văn Thái  (2006). Công nghệ Vật liệu, NXB Khoa Học và Kỹ thuật.

15a. Trần Ích Thịnh (1998). Vật liệu compozit. Trường ĐHBK Hà Nội,

  1. Võ Thị Thu Thuỷ (2007) trang trí nội ngoại thất Việt Nam hiện nay,  tại cơ sở dữ liệu http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/2007/6/1113.htm [cập nhật: 2/11/2017]
  2. Chu Quang Trứ (2000). Tìm hiểu về làng nghề thủ công điêu khắc cổ truyền, NXB Mỹ Thuật.
  3. Văn hóa nghệ thuật (2014). Chất liệu tạo Hình  trong điêu khắc, tại cơ sở dữ liệu http://tuvanhotro.vn/van-hoa-nghe-thuat/chat-lieu-tao-hinh-trong-dieu-khac-1120144768.html  [cập nhật: 10-11-2014]
  4.  Lê Huy Văn (2002). Cơ sở phương pháp luận Design, NXB Xây dựng
  5.  Lê Huy Văn và Trần Văn Bình (2003), Lịch sử design Nxb Xây dựng.
  6. Viện bảo tồn di tích (2014). Phương pháp làm tượng đất cổ truyền, truy cập tại cơ sở dữ liệu http://www.36phophuong.vn/Phuong-phap-lam-tuong-dat-co-truyen_c2_285_441_1832.html, [cập nhật: 14/12/2014]
  7. Phạm Hoàng Vân (2007). Chất liệu đồng cho điêu khắc tượng đài, tại cơ  sở dữ liệu tại https://www.google.co.in/#q=chất+liệu+đồng+trong+điêu+khắc+tượng+ đài, [cập nhật: 20/8/2007]
  8. Wikipedia (2014). Khái niện composite, truy cập ngày 1/2014, tại cở dữ liệu: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%ADt_li%E1%BB%87u_CPS, [cập nhật: 17/4/2014]
  9.  wikipedia (2014). Vật liệu composite, tại cơ sở dữ liệu https://vi.wikipedia.org/wiki/Vat_lieu_composite, [cập nhật: 2/3/2014]
  10. wikipedia (2014). Điêu khắc , tại cơ sở dữ liệu https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90i%C3%AAu_kh%E1%BA%AFc  [cập nhật: 4/8/2014]
  11. wikipedia (2014). Hợp kim của đồng , tại cơ sở dữ liệu https://vi.wikipedia.org/wiki/Hợp_kim_của_đồng, [cập nhật: 2/ 1/2014]
  12. Wikipedia (2014). Thạch cao, truy,  tại cơ sở dữ liệu https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A1ch [cao  [cập nhật: 3/3/2014]
  13.  Trang tin meslab(2014) Vật liệu polyme, , tại cơ sở dữ liệu http://www.meslab.org/mes/archive/index.php/t-2502.html [cập nhật: 6/4/1014]
  14. Trang tin meslab(2013) tính chất cơ cản của vật liệu composite http://www.cmtech.vn/chi-tiet-tin/51/49/tinh-chat-co-ban-cua-vat-lieu-composite.html [cập nhật: 27/5/1013]

 

Lượt xem: 452
Tác giả: Cao Thị Thanh Thà

 ARTCENTER
Địa chỉ: 325 - Âu Cơ - Tây Hồ - Hà nội. Điện thoại: 0982 626 215/ 0944 855 333