BÀN VỀ CÁI ĐẸP TỐI GIẢN TRONG THIẾT KẾ MTCN
Antoine de Saint Exupery
“Một nhà thiết kế biết anh ta đạt đến sự hoàn hảo không phải khi không còn gì để thêm vào mà là không còn gì để bớt đi”
BÀN VỀ SỰ HOÀN HẢO TRONG THIẾT KẾ MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP QUA CÂU NÓI CỦA Antoine de Saint Exupery
“Một nhà thiết kế biết anh ta đạt đến sự hoàn hảo không phải khi không còn gì để thêm vào mà là không còn gì để bớt đi”
Nếu như con người là một sản phẩm hoàn hảo của tự nhiên, thêm bất kì một chi tiết hay bộ phận nào đều bị coi là dị dạng và nếu thiếu bất kì một chi tiết nào đều bị coi là khiếm khuyết.Thì hãy đi tìm sự hoàn hảo này ở trong lĩnh vực thiết kế của mình. Bất kì một nhà thiết kế nào cũng đều muốn đạt được sự hoàn hảo trong tác phẩm của mình, nhưng như thế nào mới gọi là sự hoàn hảo trong thiết kế?
Theo tôi, trước hết một sản phẩm trước khi được gọi là hoàn hảo thì phải đảm bảo được tính công năng và tính thẩm mỹ, khi hai yếu tố này thống nhất và hoà quyện với nhau thì càng đạt đến được sự hoàn hảo. Và trong câu nói của Antoine de Saint Exupery thì điều kiện này ở mức độ cao hơn, khi đã đạt được yếu tố công năng và thẩm mỹ thì nó yêu cầu đến sự giản đơn, tinh tế và tiện dụng của sản phẩm.
Thực tế thì yếu tố chức năng của một sản phẩm là vô tận, vì càng ngày con người càng có yêu cầu cao hơn về chức năng của sản phẩm. Một chiếc điện thoại từ chức năng chỉ nghe và nói thì bây giờ nó có rất nhiều chức năng khác, có thể xem thời tiết, có thể đo được nhịp tim, huyết áp, có thể dùng để giải trí thậm chí là làm việc,… Càng ngày những sản phẩm thiết kế lại càng có những yêu cầu cao hơn về tính đa chức năng của nó, những ứng dụng thêm vào ngày càng nhiều nhưng càng ngày cũng phải càng nhỏ gọn, tinh tế và đơn giản hơn.
Steven Jobs đã từng yêu cầu đội ngũ thiết kế iPod làm thế nào để người sử dụng có thể chọn được bài hát trong vòng 3 thao tác.Hoặc như Google họ đơn giản thiết kế của mình tới mức hầu hết ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải học cách sử dụng nhiều. Kết quả là 70% số người nghe nhạc bằng iPod và 80% lượng tìm kiếm trên Internet dùng trang Google.Nhưng những thiết kế này vẫn có đầy đủ các chức năng và thậm chí là có nhiều chức năng hơn những thiết kế khác.Không chỉ dễ dàng sử dụng mà việc đơn giản hoá sản phẩm giúp cho các nhà phát triển tập trung vào chất lượng. Những người theo chủ nghĩa đơn giản có câu: “ Ít hơn tức là nhiều hơn” (Less is more). Càng ít hơn những thao tác, các chi tiết thì cần phải được tính toán kỹ càng hơn và là bài toán khó cho nhiều cho nhà thiết kế.
Khi không cần thêm vào và không thể bớt đi bất kì một chi tiết nào, đó là sự giản đơn của sự hoàn mỹ, giữa yếu tố đủ- đẹp, đủ về chức năng và sự tiện dụng, đẹp về hình thức lẫn giá trị nội dung của sản phẩm.Cùng một công sức bỏ ra, thiết kế đơn giản đồng nghĩa với chất lượng và chức năng sẽ nhiều hơn. Và tại sao người ta không làm mọi thứ đều trở nên đơn giản? Bởi vì một câu trả lời là càng đơn giản thì càng khó, trong sự đơn giản đó luôn có sự phức tạp của chính nó.
Những sản phẩm của con người làm ra là đang hướng đến sự hoàn hảo, sản phẩm ra đời sau thì càng tinh tế, nhỏ gọn và đa chức năng hơn sản phẩm ra đời trước. Chiếc điện thoại ngày nay thay vì có nhiều nút bấm, nhiều nút chức năng khác nhau thì ngày nay hầu như chỉ là một thanh thẳng và một nút bấm duy nhất.Một nút bấm không cần phải có cái thứ hai nhưng không thể bỏ nó đi được, đó chính là sự tinh lọc, sự chắt lọc đến cuối cùng.
Một sản phẩm thiết kế logo sao cho có đầy đủ ý nghĩa không thừa và không thiếu, nó chỉ có thể là một nét chuyển động và mang trong mình đầy đủ ý nghĩa, thêm bất cứ nét nào cũng là không cần thiết và không thể thay thế hay bỏ đi nét đó được.
Để đạt được sự chắt lọc và tinh lọc trong thiết kế thì không hề đơn giản chút nào mà có thể nói là rất khó, chính người thiết kế phải tự mình trải nghiệm, tự mình cảm nhận sản phẩm, từng chi tiết, từng bộ phận từ nhỏ nhất để có thể tối giản đến mức tối đa những chi tiết thừa và bỏ đi những yếu tố không cần thiết hay đưa ra giải pháp để có thể gộp chung các chi tiết, các thao tác, các chức năng lại với nhau để tránh sự phức tạp trong quá trình sử dụng, để tạo ra sự đơn giản cho người sử dụng. Và khía cạnh giản đơn này là sự đơn giản được cảm nhận từ phía người dùng và chính nhà thiết kế là những người tạo ra sự đơn giản ấy.Thực tế là càng đơn giản cho người sử dụng bao nhiêu thì lại càng phức tạp cho người thiết kế bấy nhiêu.
Và để kết luận cho bài viết này tôi xin được kết thúc bằng câu nói của Jonathan Ive (thiết kế trưởng của Apple): “Làm ra những sản phẩm đơn giản, đơn giản đến mức người sử dụng không hề nhận thấy sản phẩm đã giải quyết những công việc phức tạp đến thế nào”.
TG: DIỆU LINH