Vật liệu composite trong điêu khắc ứng dụng ở Việt Nam từ năm 1900 đến nay

PHẦN NỘI DUNG

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ỨNG DỤNG, VÂT LIỆU COMPOSITE VÀ VẬT LIỆU TRONG ĐIÊU KHẮC

 

 

1.1.TỔNG QUAN VỀ NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ỨNG DỤNG

1.1.1.Khái niệm về điêu khắc ứng dụng.

Trong mỹ thuật chỉ có hai nhánh lớn, đó là hội họa và điêu khắc, điêu khắc ứng dụng là khái niệm hẹp, nó là nhánh của mỹ thuật ứng dụng. Để hiểu rõ hơn về khái niệm điêu khắc ứng dụng trước tiên tác giả muốn trích dẫn khái niệm chung về điêu khắc trong mỹ thuật và khái niệm về mỹ thuật công nghiệp để từ đó cho chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn về nghệ thuật điêu khắc ứng dụng.

- Khái niệm điêu khắc

Khái niệm về điêu khắc cũng có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Với người phương Tây, điêu khắc được hiểu là một ngành của nghệ thuật tạo hình được sáng tạo theo nguyên tắc về thể tích, hình khối, vật chất trong không gian ba chiều và chịu sự chi phối của những quy luật tạo hình .

Còn khái niệm điêu khắc của người Việt nam: từ “điêu khắc” có nguồn gốc Hán - Việt: “điêu” là chạm khắc, nói rộng ra thì các lối chạm trổ thì gọi là điêu, lấy dao vạch vào vật gì đó thì gọi là khắc.

            Như vậy điêu khắc có nghĩa là dùng dụng cụ cứng như kim loại (đục, dao…) tác động vào các chất liệu cứng như đá, gỗ, xương, ngà voi… tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. 

Theo tài liệu trên nguồn vi.wikipedia.org (bách khoa toàn thư mở) được nhiều người biết đến, thì điêu khắc được định nghĩa như sau:

“Điêu  khắc là tác phẩm nghệ thuật ba chiều được tạo ra bằng cách tạo hình hoặc kết hợp vật liệu như kim loại, đá, thủy tinh, hoặc gỗ. vật liệu cũng có thể được sử dụng như đất sét, dệt may, nhựa, polyme và các kim loại nhẹ nhàng hơn. Thuật ngữ này đã được mở rộng để công trình điêu khắc bao gồm cả không gian âm thanh, ánh sáng, không gian hư ảo và không gian tâm linh”.[26]

- Khái niệm chung về mỹ thuật công nghiệp

Theo cuốn Lịch sử design của họa sỹ Lê Huy Văn và Trần Văn Bình (2011) thì:

Mỹ thuật công nghiệp, còn được gọi là design (phát âm như "đi-zai"), là ngành thiết kế tạo mẫu, tạo dáng cho sản phẩm công nghiệp, tạo mỹ thuật sản phẩm, thiết kế môi trường sống hay thế giới đồ vật.

Danh từ design có xuất xứ từ chữ disegno của tiếng Latinh, có từ thời Phục hưng, có nghĩa là phác thảo, thuật vẽ, thiết kế, bản vẽ và là cơ sở của mọi nghệ thuật thị giác, công việc của sự sáng tạo. Thời đó thuật ngữ này thường ám chỉ công việc sáng tạo của các họa sĩ vẽ tranh, tạc tượng. . . Và hơn nữa đó vẫn chưa phải là một nghề chuyên nghiệp hoàn toàn (full-time professional) mà gắn kết như một thuộc tính của họa sĩ, nhà điêu khắc hay các nghệ nhân. [21, tr.8]

Có thể nói rằng mỹ thuật ứng dụng nói chung và điêu khắc ứng dụng nói riêng là loại hình có quá trình hình thành, phát triển lâu dài. Sự phát triển của nó gắn liền với quá trình lao động sáng tạo và cũng có nhiều sự biến chuyển theo thời gian nhằm phục vụ đời sống tinh thần phong phú của con người và như vậy nghệ thuật điêu khắc ứng dụng có thể được hiểu như sau:

 Nghệ thuật điêu khắc ứng dụng ngày nay được gắn liền với cảnh quan kiến trúc, không gian trưng bày sản phẩm và nó còn được mở rộng với các sản phẩm điêu khắc, tạo dáng trong đồ dân dụng, ngoài ra nó còn liên quan đến việc sử dụng các vật liệu có thể được đổ, đúc khuônđiều chế hoặc sản xuất hàng loạt.

Các sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc ứng dụng như: tượng tròn, phù điêu, có thể là các biểu tượng, các đồ decor trang trí nội thất... Chất liệu được dùng rất đa dạng như: Đồng, gỗ, đá nhân tạo, composite, silicon, các kim loại nhẹ… Bề mặt sản phẩm có thể được trang trí bằng sơn, các công nghệ mạ nano hoặc bằng một số hình thức công nghiệp khác.

1.1.2.Sự phát triển của vật liệu composite trong điêu khắc ứng dụng

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển như vũ bão trên toàn cầu, nó kéo theo sự thay đổi trên tất các các lĩnh vực, ngành nghề, kể cả đời sống văn hóa - tinh thần, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật. Các chất liệu tự nhiên, lâu năm, có nguồn gốc từ thiên nhiên được khai thác từ các nguồn tài nguyên hóa thạch (mất thời gian hình thành hàng nghìn năm) sẽ cạn kiệt và không thể hình thành một cách nhanh chóng nếu chúng ta không biết gìn giữ. Chính bởi những lí do đó mà chúng ta không ngừng sáng tạo ra các chất liệu mới để thay thế. Hơn nữa, những người làm nghệ thuật luôn luôn tìm tòi về ý tưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm và thẩm mỹ. Nghệ thuật nói chung và điêu khắc ứng dụng nói riêng cũng nằm trong quy luật này.

1.1.2.1. Vật liệu composite trong điêu khắc ứng dụng trên thế giới

Với lịch sử phát triển phong phú của mình, vật liệu composite đã được nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới biết đến. Việc nghiên cứu và áp dụng thành công vật liệu này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Thạc sỹ Nguyễn Đăng Cường (2006). Composte sợi thủy tinh và ứng dụng có dẫn:

Trong đại chiến thế giới thứ hai, nhiều nước đã sản xuất máy bay, tàu chiến và vũ khí phụ vụ cho cuộc chiến này. Đến nay thì vật liệu composite đã được sử dụng rất nhiều trong các ngành như:

- Ngành hàng không: dùng để thay thế chất liệu sắt, nhôm... trong máy bay dân dụng, quân sự, sản xuất cuốn cánh máy bay, mũi máy bay và một số linh kiện, máy móc khác của các hãng như Boing 757, 676 Airbus 310…

- Ngành công nghiệp điện tử: sử dụng để sản xuất các chi tiết, các bảng mạch và các linh kiện…

- Ngành hàng hải: sử dụng trong công nghiệp đóng tàu, xuồng, ca nô…

- Các ngành dân dụng như y tế: làm hệ thống chân, tay giả, răng giả, ghép sọ…

- Ngành thể thao: làm các đồ dùng thể thao như gậy gôn, vợt tennis…

- Trong giao thông vận tải: thay thế các loại sắt, gỗ, ván… như càng, thùng trần của các loại xe ôtô, một số chi tiết của xe môtô

- Trong quân đội: những phương tiện chiến đấu như tàu, cano, máy bay, phi thuyền... Chế tạo dụng cụ, phương tiện phục vụ cho việc sản xuất nghiên cứu trong quân đội như: bồn chứa nước hoặc hóa chất, khay trồng rau, bia tập bắn...

- Trong công nghiệp hóa chất: bồn chứa dung dịch acid (thay gelcoat bằng epoxy hoặc nhựa vinyleste), bồn chứa dung dịch kiềm... [4, tr.183]

- Và các ngành dân dụng, quốc tế dân sinh khác.

 Trong mỹ thuật ứng dụng nhất là điêu khắc ứng dụng, composite đã được dùng để tạo ra các sản phẩm phù điêu, tượng tròn, sản phẩm trang trí nội thất dân dụng. Việc tiếp cận khoa học công nghệ và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với các nước phát triển trên thế giới rất nhanh chóng và dễ dàng. composite được sử dụng trong ngành điêu khắc nói chung và điêu khắc ứng dụng nói riêng từ lâu không còn là xa lạ với các điêu khắc gia hay các tổ chức, hoạt động sản xuất lĩnh vực này. Riêng nghệ thuật điêu khắc, các tác phẩm điêu khắc ứng dụng sử dụng vật liệu composite đã được sử dụng rộng rãi. Với các nước có ngành khoa học công nghệ phát triển sớm, họ luôn tìm cách tạo ra các vật liệu thay thế các vật liệu lấy trong tự nhiên.

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy đâu đó trong kiến trúc, cảnh quan không gian xung quanh có rất nhiều tác phẩm, sản phẩm ứng dụng thành công vật liệu composite, đem lại hiều quả kinh tế, giá trị văn hóa, tinh thần cao.

Ví dụ:

- Tác phẩm điêu khắc: Large Flying Bowling Pins, của nghệ sĩ Claes Oldenburg, đặt tại ngã tư giữa Kennedylaan and Fellenoord Avenues, ở Hà Lan, được hoàn thành vào tháng tư năm 2000. Tác phẩm được làm bằng chất liệu: thép, nhựa, sợi gia cố, polyvinyl chloride bọt, polyester gelcoat, sơn chuyên dụng và men polyurethane. (PL.H.1, 1a)

- Hình ảnh khối điêu khắc rất gần gũi với “kiến trúc xanh”, là một tác phẩm điêu khắc của nhóm các kiến trúc sư 3XN (3XN là một nhóm kiến trúc sư, do MAA RIBA Kim Herforth Nielsen đứng đầu, người hiện nay là kiến trúc sư chính của nhóm, thành lập tại Đan Mạch, nhóm gồm 6 kiến trúc sư). Herforth Nielsen là người chịu trách nhiệm chính với tất cả các công trình mà 3XN thực hiện từ đầu đến khi hoàn thành. Tác phẩm điêu khắc này được trưng bày tại Hội nghị Liên hợp quốc 2009 về biến đổi khí hậu ở Copenhagen và nhận được giải thưởng đổi mới. Qua đó cho thấy khả năng cắt cạnh của việc sử dụng vật liệu bền vững và thông minh trong thiết kế. Tác phẩm điêu khắc này cung cấp câu trả lời mới cho mối quan tâm về môi trường thường được đặt ra khi sử dụng các vật liệu như polyester, sợi thủy tinh. Dự án này cung cấp một giải pháp thân thiện với môi trường, thúc đẩy sự đổi mới thiết kế có thể tạo ra các tác phẩm điêu khắc tuyệt vời như thế này, với các vật liệu thân thiện và giá thành hợp lý…(PL. H.1, 1b)

- Một tác phẩm khác có chủ đề là "I See What You Mean" nhiều người gọi nó là “Gấu lớn màu xanh”, cao 12m (40 feet đơn vị đo của nước Anh, Mỹ. trong đó 1feet tương đương với 0.3048m đơn vị đo của Việt Nam, đặt bên ngoài Trung tâm Hội nghị Colorado ở Denver. Đây là sự sáng tạo của nghệ sĩ địa phương Lawrence Argent, được thực hiện trong năm 2005, là một tác phẩm điêu khắc bằng thép, bọc trong composite, sợi thủy tinh và xi măng. (PL. H.1.2)

Và rất nhiều các tác phẩm khác trên thế giới sử dụng chất liệu composite như một vật liệu thân thiện với môi trường và bởi các tính chất dễ dàng, thuận tiện khi thao tác.

1.1.2.2. Vật liệu composite trong điêu khắc ứng dụng tại Việt Nam

Ở các nước phát triển trên thế giới thì vật liệu composite đã được sử dụng từ lâu, nhưng với nước ta thì composite được coi là vật liệu mới. Bởi lẽ thời gian đưa vào ứng dụng và phạm vi ứng dụng ở nước ta chỉ mới trong khoảng vài chục năm trở lại đây.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Vĩnh Diệu - Giám đốc Trung tâm nghiên  vật liệu Polymer, Đại học Bách khoa, nhà nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực vật liệu composite trong khuôn khổ chiến lược toàn cầu về bảo vệ môi trường, các nhà công nghiệp trong lĩnh vực vật liệu PC sử dụng nhựa nhiệt rắn (polyeste không no, vinyeste, epoxi…), đang tiến hành tái chế và nâng cao chất lượng để kéo dài tuổi thọ sản phẩm, nhờ đó giảm được lượng PC thải hành năm…

Đồng thời, sự vận dụng vật liệu composite vào sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật, cũng như mỹ thuật ứng dụng, cho thấy cần thiết phải có sự hỗ trợ đắc lực của nền khoa học kỹ thuật hiện đại vào nghệ thuật, chính điều này, đòi hỏi các nghệ sĩ cần cập nhập kiến thức mới, nắm bắt kịp những công nghệ tiến tiến.

 

Vật liệu composite bắt đầu được ứng dụng phổ biến trong công nghiệp vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Theo thống kê năm 1998 - 1999, sản lượng bình quân đầu người về sử dụng vật liệu composite chỉ đạt khoảng 0,02kg/người/năm. Như vậy là quá thấp đối với mức bình quân đầu người trong khu vực ASEAN (0,4kg/người/năm).

Theo Thạc sỹ Nguyễn Đăng Cường

Có lẽ composite sợi thủy tinh (FRP) được bắt đầu nghiên cứu và áp dụng thử ở nước ta từ 1988, khởi đầu là cano, xuồng nhỏ với tư cách là một vật liệu mới. Đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, một vài đơn vị sản xuất composite đã hình thành với các sản phẩm ghe, thuyền, bồn chứa, đặc biệt là đồng bằng sống Cửu Long. [5]

Một số ít được ứng dụng trong làm mô hình điêu khắc tượng và phù điêu có kích thước không lớn hay trong công nghệ làm vóc sơn mài. Tuy nhiên composite thực sự phát triển từ 1995 đến nay kể cả về số lượng các đơn vị sản xuất cũng như chất lượng và chủng loại sản phẩm.

Vật liệu composite được áp dụng hầu hết ở các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Tính riêng nhựa dùng để sản xuất vật liệu composite được tiêu thụ ở Việt Nam khoảng 5.000 tấn mỗi năm. Tại Hà Nội đã có 8 đề tài nghiên cứu về composite cấp thành phố được tuyển chọn, theo đó vật liệu composite được sử dụng nhiều trong đời sống xã hội.  [6]

Hiện nay trên toàn quốc có khoảng 40 đơn vị lớn nhỏ, nhưng chỉ một số đơn vị chuyên sản xuất mặt hàng composite, còn lại là kết hợp với các sản phẩm nhựa khác. Các mặt hàng đã mở rộng, đa dạng, phong phú cùng với chất lượng cao hơn như: ghe, thuyền, cano, xuồng, tàu cảng vụ, tàu nghiên cứu hải dương, tàu đánh cá xa bờ, cầu trượt, máng trượt (cho công viên nước), bể bơi, bồn tắm, ki ốt, trang trí nội thất, ngoại thất… Các sản phẩm điêu khắc gắn liền với kiến trúc, không gian như tượng tròn, tượng trang trí không gian, nội thất, các sản phẩm phù điêu với kích thước lớn, các đồ ứng dụng cho trang trí dân dụng…

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, ngành mỹ thuật nói chung và điêu khắc - điêu khắc ứng dụng nói riêng, đã bắt đầu tiếp cận về mặt lý thuyết và dần thử nghiệm vật liệu composite vào trong sáng tác, sản xuất tác phẩm, sản phẩm.

Những sản phẩm, tác phẩm ứng dụng vật liệu composite ban đầu chỉ là áp dụng để làm các mô hình , làm các phác thảo tượng đài, phù điêu…

Các công trình lớn được sử dụng như là hình thức chuyển thể trung gian giữa đất sét - khuôn thạch cao - sản phẩm đổ từ khuôn thạch cao (sản phẩm bằng vật liệu composite) sau đó từ phôi sản phẩm trung gian này mới đem đi tạo đúc, đổ, đục... ra chất liệu thật (chất liệu sau cùng của tác phẩm). Các sản phẩm thử nghiệm trong ngành nghệ thuật như áp dụng trong làm vóc tranh sơn mài, các sản phẩm cốt dùng thay thế cốt sơn mài truyền thống như bình, lọ, tranh… làm đồ trang sức, làm mô hình sản phẩm tạo dáng công nghiệp, các phù điêu khổ nhỏ và vừa, sản xuất các sản phẩm, tác phẩm trang trí trong nhà…

Sự phát triển composite ứng dụng trong mỹ thuật nói chung và trong điêu khắc - điêu khắc ứng dụng nói riêng, phải trải qua một thời gian dài tiếp cận thử nghiệm và kiểm chứng qua một số dòng sản phẩm thực tế. Đến đầu những năm 2000 vật liệu này mới thực sự được đón nhận và ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các ngành nghề mỹ thuật.

Khi composite được đón nhận, một số dòng sản phẩm thuộc ngành điêu khắc ứng dụng cũng dễ phát triển hơn. Hầu hết các sản phẩm trước đây được làm từ vật liệu thạch cao, xi măng thì dần được hay thế bằng vật liệu composite. Bởi một số những nhược điểm của các chất liệu như thạch cao hay xi măng không thuận tiện trong sản xuất, Composite đã khắc phục những nhược điểm của các vật liệu này nên vật liệu đã được áp dụng nhanh chóng.

Các công trình nghệ thuật công cộng vốn quan tâm đến sự bền vững và quan niệm độ “sang” trong giá trị tác phẩm, khi đem ra cân nhắc với tác phẩm ứng dụng vật liệu composite, đã phải cân nhắc những tính năng và đặc điểm composite có được và đã gần như thuyết phục được những người khó tính nhất. Các tác phẩm điêu khắc sử dụng trong nhà, ngoài trời đã bắt đầu được ứng dụng một cách rộng rãi. (PL. H.1, 3)

1.2.VẬT LIỆU COMPOSITE

1.2.1.Khái niệm về vật liệu  composite

- Từ composite xuất phát từ một thuật ngữ tiếng Pháp là “CPS” nghĩa là vật liệu phối hợp. Tuy nhiên hiện nay nhiều người gọi tên vật liệu này bằng nhiều từ ngữ khác như: vật liệu kết hợp, vật liệu tổ hợp, vật liệu com - pao… Tiếng Pháp composé đều có nghĩa là hợp chất nhiều thành phần (nhiều chất) riêng lẻ tạo thành cách hoà trộn chúng ngay trước khi sử dụng.

-   Trong tiếng Anh composite là “Polymer composites”, viết tắt là PC (xuất phát từ gốc compos).

Trong cuốn Vật liệu composite cơ học & công nghệ, NXB Khoa học và kỹ thuật HN của Nguyễn Đình Đức và Nguyễn Hoa Thịnh (2002) thì vật liệu composite được hiểu như sau:

Vật liệu composite, là loại vật liệu tổng hợp từ hai hoặc nhiều vật liệu khác nhau kết hợp lại tạo nên vật liệu mới, có tính ưu việt hơn nhiều so với từng vật liệu ban đầu, hoặc khi những vật liệu này có thành phần riêng rẽ. [7, tr.5]

Cũng có rất nhiều khái niệm về vật liệu composite được nêu ra, theo tài liệu nguồn vi.wikipedia.org (bách khoa toàn thư mở) được nhiều người biết đến thì: “vật liệu composite là chất liệu tổng hợp từ hai hay nhiều chất liệu khác nhau tạo nên vật liệu mới có tính năng hơn hẳn các vật liệu ban đầu, khi những vật liệu này làm việc riêng rẽ” [23]

Nói theo cách khác là vật liệu được chế tạo tổng hợp từ hai hay nhiều vật liệu khác nhau nhằm mục đích tạo ra một vật liệu mới có tính năng ưu việt hơn hẳn vật chất liệu ban đầu. vật liệu composite được cấu tạo từ các thành phần cốt nhằm đảm bảo cho vật liệu composite có được các đặc tính cơ học cần thiết và vật liệu nền đảm bảo cho các thành phần của composite liên kết, làm việc hài hoà với nhau.

Tuy nhiên hầu hết các tài liệu đều có cách hiểu về vật liệu composite tương đối giống nhau.

1.2.2.Lược sử phát triển vật liệu composite trên thế giới và Việt Nam

Nhắc đến vật liệu composite nhiều người tưởng rằng đó là vật liệu tạo ra bởi công nghệ hiện đại, nhưng thực chất lại không hẳn như vậy. Như ta đã biết trong tự nhiên composite được hình thành khi có thực vật, vật liệu composite đã xuất hiện từ rất lâu trong cuộc sống, chính thiên nhiên đã tạo ra cấu trúc composite trước tiên, đó là thân cây gỗ, có cấu trúc composite, gồm nhiều sợi xenlulo dài được kết nối với nhau bằng licnin. Kết quả của sự liên kết hài hoà ấy là thân cây vừa bền và dẻo - một cấu trúc vật liệu composite lý tưởng.

+ Trên thế giới:

Khoảng 5000 năm trước Công nguyên người cổ đại đã biết vận dụng vật liệu composite vào cuộc sống như sử dụng bột đá trộn với đất sét để đảm bảo sự giãn nở trong quá trình nung đồ gốm, trộn những viên đá nhỏ vào đất trước khi làm gạch để tránh bị cong vênh khi phơi nắng.

- Người Ai Cập đã biết vận dụng vật liệu composite từ khoảng 4.000 năm trước Công nguyên, điển hình là hợp chất được dùng để ướp xác của người Ai Cập, làm vỏ thuyền làm bằng lau, sậy tẩm pitum. Về sau này các thuyền đan bằng tre trát mùn cưa và nhựa thông hay các vách tường đan tre trát bùn với rơm, rạ là những sản phẩm composite được áp dụng rộng rãi trong đời sống xã hội.

- Người Hy Lạp cổ cũng đã biết lấy mật ong trộn với đất, đá, cát sỏi làm vật liệu xây dựng.

Theo trang meslab(2014). Vật liệu polyme,

Tiến trình phát triển của vật liệu composite, khoa học công nghệ phát triển, đã được khẳng định và mang tính đột biến vào những năm 1930 khi mà Stayer và Thomat đã nghiên cứu, ứng dụng thành công sợi thuỷ tinh. Fillis và Foster dùng gia cường cho Polyeste không no (“không no” nghĩa là chất liệu vẫn còn có thể tiếp tục tham gia các chuỗi phản hóa hoạc khác nữa, còn “no” là chỉ tham gia chuỗi phản ứng hóa học đó và không tiếp tục tham gia các phản ứng hóa học tiếp theo được) và giải pháp này đã được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay, tàu chiến phục vụ cho đại chiến thế giới lần thức hai.

Năm 1950 bước đột phá quan trọng trong ngành vật liệu composite đó là sự xuất hiện nhựa epoxy và các sợi gia cường như polyeste, nylon,… Từ năm 1970 đến nay vật liệu composite nền chất dẻo đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp và dân dụng, y tế, thể thao, quân sự... Và hiện nay hoa học công nghệ vật liệu vật liệu composite đã phát triển trên toàn thế giới với thuật ngữ “vật liệu mới” đồng nghĩa với “vật liệu composite”. [28]

Tổ hợp các tính chất

   Sợi thuỷ tinh hữu cơ  +  Nhựa polyeste = GRP (Glass Reinforced Plastic)

            (bền)                    (kháng hoá chất)          (bền và kháng hoá chất)

Tạo tính chất mới

 

   Sợi thuỷ tinh hữu cơ + Nhựa polyeste = GRP (Glass Reinforced Plastic)

                (giòn)                      (giòn)                     (dẻo dai – tough)

+ Ở Việt Nam:

Theo nguồn tin của Viện bảo tồn di tích chia sẻ, các cụ ngày xưa truyền lại cách làm nhà bằng bùn trộn với rơm băm nhỏ để trát vách nhà, khi khô tạo ra lớp vật liệu cứng, mát về mùa hè và ấm vào mùa đông.

 Trong điêu khắc, cách làm tượng trong tạo hình cổ truyền, điêu khắc tượng trong hầu hết các ngôi đình, chùa, miến mạo ở Việt Nam, các chất liệu nặn tượng đều được lấy trong tự nhiên gồm: đất sét, giấy, tre, sơn ta, vỏ trấu, dầu trẩu, chất tạo màu (bột đá, bột gạch nung non lửa), dầu hỏa, mùn cưa, muối (NaCl), bồ hóng bếp (thành phần chính là C, ngoài ra còn chứa HCHO, HCOOH..) là những chất phụ gia có tác dụng ngăn cản sự phát triển rêu, nấm, chống mốc, đồng thời làm tăng độ bóng cho tượng.

Các chất liệu này được kết hợp với nhau và làm theo các công đoạn nhất định: đất sét phơi khô (có màu trắng), đập nhỏ (đập nhỏ để hút nước tốt) trộn với giấy bản cho vào cối giã đều sao cho nhuyễn, mịn rồi trộn với mùn cưa, vỏ trấu và một lượng nhỏ sơn ta và tiếp tục nhào trộn để tạo thành hỗn hợp đồng nhất, chính hỗn hợp được tạo ra này nó là một dạng composite cổ truyền của chúng ta. Khi có cốt dáng tượng theo ý tưởng, dùng hỗn hợp đất sét đã luyện đắp vào bộ cốt, chờ cho khô rồi lại tiếp tục đắp những khối lớn, khối phụ và những chi tiết. Xong rồi ủ cho khô dần dần để tránh sự co ngót đột ngột dễ gẫy rạn nứt. Khi tượng cơ bản đã hoàn thành thì gọt, tỉa các chi tiết, đánh bóng các mảng khối, để tượng nơi râm mát tránh sự khô quá nhanh. Nếu tượng bị nứt (nứt chân chim hay nứt dặm) xử lý bằng cách lấy một ít đất sét dẻo, mùn cưa và sơn ta trộn lẫn đắp vào chỗ nứt nẻ, sau 5 -7 ngày (tùy theo thời tiết) khi phần cốt khô dùng giấy ráp đánh nhẵn bề mặt phần cốt.

Tạo lớp phủ: - Lớp bó: là lớp đầu tiên gồm sơn ta và đất sét, sau 2-3 ngày dùng giấy ráp đánh bóng lớp bó.

- Lớp hom: Lớp hom gồm sơn ta và đất sét tạo độ nhẵn và mịn cho tượng, 2 -3 ngày dùng giấy ráp đánh bóng lớp sơn hom.

- Lớp lót: Sau lớp hom quét tiếp lớp lót chỉ gồm sơn ta hòa loãng bằng dầu hỏa mục đích là tạo sự liên kết rắn chắc, lớp này được quét 2 – 3 lần để đảm bảo độ dày cho tượng.

- Lớp thí: Dùng sơn ta trộn với dầu trẩu đánh thật kỹ đạt “độ ngậy” của sơn gọi là sơn cầm, thí một nước sơn cầm có độ bóng cao cho tượng mập lên.

- Lớp cầm: Sau khi đã hoàn thành lớp thí, quét một lớp gồm sơn ta và dầu trẩu, chất phụ gia, khi độ khô vừa phải thì dán bạc vào. 

- Lớp phủ: Sau khi đã thếp bạc, lau nhẹ thật sạch bằng chổi, bút, thép. để khoảng để khoảng 2 ngày để lớp sơn cầm bên trong khô kiệt rồi tiến hành pha sơn phủ H

hoàn kim để làm màu giả vàng, hoặc màu đồng, tùy theo ý của người thợ.

Nói đến composite nhiều người nghĩ nó là chất liệu gì đó rất hiện đại và mới mẻ, nhưng đây chính là một dạng composite cổ truyền của người Việt. [17]

1.2.3. Phân loại vật liệu composite.

  • Phân loại theo hình dạng:

- Composite cốt sợi:

Là composite được gia cường bởi sợi, có thể ở dạng sợi dài liên tục (sợi dài, vải…) hoặc gián đoạn (sợi ngắn, sợi vụn…) nó có độ bền và mô-đun đàn hồi cao. Các loại sợi như: sợi thuỷ tinh, cacbon, xenlulo, …


Sợi ngắn sắp xếp hỗn độn  - sợi ngắn định hướng - sợi ngắn dài đơn hướng - sợi ở dạng lớp

Một số loại composite cốt sợi

- Composite cốt hạt: Là composite được gia cường bởi các hạt với các dạng và kích cỡ khác nhau. VD: Bê tông, gỗ ép … một số loại cốt hạt như: vảy mica, hạt cao lanh, CaCO3, bột hoặc vảy sắt, đồng, nhôm, bột gỗ … Loại vật liệu này thường dùng trong những ứng dụng yêu cầu về độ bền không cao, thường được sử dụng giảm thấp giá thành sản phẩm. Nhưng có tính chất chịu nhiệt, chịu mài mòn tốt, giảm co ngót …

Hạt  Vảy, mảnh

 

- Composite phiến: Bao gồm những lớp riêng biệt, có thể là những vật liệu khác nhau hoặc cùng một một vật liệu nhung có định hướng khác nhau.

 

composite cốt phiến   

 

 

- Composite vảy:  Bao gồm những vảy nhỏ có hoặc không có nền

 composite cốt vảy                

    

 

- Composite đồ đầy/ điền đầy (filled composite): vật liệu tăng cường có cấu trúc xốp hoặc cấu trúc sợi không gian ba chiều là vật liệu dạng liên tục và được coi là vật liệu cơ bản. [11]

  composite đổ đầy

 

  • Phân loại theo bản chất vật liệu thành phần:

            - Composite nền hữu cơ (nhựa): composite nền giấy (các tông), composite nền nhựa, nền nhựa đường, nền cao su (tấm hạt, tấm sợi, vải bạt, vật liệu chống thấm, lốp ôtô xe máy)… Loại này thường kết hợp với vật liệu gia cường dạng sợi hữu cơ (sợi polyamit, Ke vật liệu ar, xenlulo…), hoặc sợi kim loại (sợi bo, sợi nhôm…)

            - Khả năng chịu nhiệt của composite nền hữu cơ tối đa khoảng 200 đến 300°C

            - Composite nền khoáng chất: bê tông, bê tông cốt thép. Loại này thường kết hợp với cốt dạng: sợi kim loại (Bo, thép…), sợi khoáng (sợi thuỷ tinh, cacbon, basalt…)

            - Composite nền kim loại: nền là các hợp kim như Titan, nhôm, đồng; cốt thường là sợi kim loại hoặc sợi khoáng như: Bo, C, SiC …

            - Composite nền kim loại hay nền khoáng chất có thể chịu nhiệt độ tối đa tới khoảng 600 đến 1000°C

            - Composite nền gốm: nền là các vật liệu gốm, cốt có thể là sợi kim loại (bo…) hoặc hạt kim loại, hoặc cũng có thể là hạt gốm kim. Khả năng chịu nhiệt của composite nền gốm lên đến 1000°C. [7]

1.3. CÁC VẬT LIỆU ĐẶC TRƯNG CỦA ĐIÊU KHẮC

Nghệ thuật không bao giờ tồn tại độc lập, chung chung, trừu tượng mà luôn gắn liền với một vật liệu cụ thể. Nghệ thuật điêu khắc cũng vậy, vật liệu tạo hình  trong điêu khắc giống như mảnh đất trù phú để những người nghệ sỹ mặc sức thể hiện tâm hồn và tư duy nghệ thuật của mình.  

Vật liệu dùng cho điêu khắc vô cùng phong phú, các vật liệu phổ biến như: đá, xi măng, đồng, gốm, thạch cao, gỗ, tre, sỏi, đất sét, cát, thậm chí là giấy… Một trong số các chất liệu thường được dùng nhiều trong điêu khắc như:

1.3.1. Vật liệu truyền thống

- Đất sét:

Là loại tốt nhất để làm điêu khắc. Đất sét có đặc tính là rất dẻo, có độ  kết dính tốt, có  độ  mịn cao và giữ được nước lâu khi  được  ủ kín bằng nilon, được dùng để thể hiện các tác phẩm, sản phẩm phôi mẫu ban đầu.

            Chọn đất sét cũng là một khâu rất quan trọng trong làm điêu khắc, đất sét để sử dụng cần chọn đất sạch không lẫn đất thịt với đất pha cát, không để đất lẫn sỏi, sạn. Nếu là đất sét khô thì phải đập nhỏ ra, càng mịn càng tốt và ủ vào trong bể chứa nếu khối lượng nhiều, vào thùng nhỏ hay các vật dụng chuyên dùng khác nếu cần ít. Sau đó tưới nước đều và trộn đất thật kỹ, ủ kín bằng nilon, khi đất đã ngấm nước đều, thì ta nhào lại lần nữa cho kỹ và làm thành từng khối như viên gạch để tiện dùng dần và giữ ẩm được tốt hơn, đất nhào kỹ này ta có thể dùng để nặn trên bề mặt các chi tiết đường nét đòi hỏi độ sắc nét cao. Nếu như để lâu ngày mới dùng đến thì đem đất sét ngâm trong nước xâm xấp. Trước khi dùng lấy ra một lượng vừa đủ và nhào bóp thật kỹ rồi ủ nilon kín, để cách vài tiếng đồng hồ sau mới đem ra nặn là tốt nhất. Chú ý lượng nước ngâm vừa phải để đất sét không bị ướt quá, khi đắp, nặn sẽ bị chảy sệ hoặc khô quá khó nặn (thường viên đất trong lòng bàn tay mà không bị dính vào tay là đất đạt yêu cầu). Đất sét có đặc tính là rất dẻo, có độ kết dính tốt, có độ mịn cao và giữ được nước lâu khi được ủ kín bằng nilon. 

Đất sét có nhiều ưu điểm là nguyên liệu tự nhiên, dễ kiếm có thể chỉnh sửa dễ dàng, khác với các chất liệu khác, đất sét nếu được giữ ẩm có thể sử dụng trong thời gian dài, phù hợp cho việc chỉnh sửa tác phẩm với thời gian không tập chung, có thể tái sử dụng nhiều lần, giá thành thấp. Tuy nhiên đất sét cũng có những nhược điểm riêng của nó như là nặng, di chuyển khó, đất sét chỉ có thể phục vụ làm mô hình điêu khắc khi ở thể dẻo có kết hợp với nước, nên việc giữ ẩm cho phôi đất sét rất quan trọng, để tránh co ngót, nứt gãy, chảy xệ và biến dạng hình . Cũng vì nó không bền vững nên không thể dùng như là một chất liệu bền vững cho tác phẩm được vì vậy xưa nay đất sét chỉ đơn thuần dùng làm phôi (chất liệu trung gian) trong điêu khắc.

Trong phạm vi tìm hiểu về chất liệu phôi đất sét, và nói đến trong quy trình chuyển thể trong điêu khắc, người nghiên cứu không đi sâu về các loại đất sét khác như là loại đất sét xám xanh nằm ở khu vực nước lợ, có độ co ngót cao, loại đất sét gốm sứ nằm thành vỉa màu trắng dẻo, xuất hiện ở những vùng trũng giữa hai giồng cát, do dòng thủy triều tạo nên. Hay loại đất sét trắng tồn tại ở 3 dạng: loại sét vàng, đỏ có khi xám đen, pha đất thịt và cát mịn nằm ở các cồn cát hay đất sét nhật gồm 3 dạng chính là: đất sét khô trong không khí (air-dry clay), đất sét nung (oven baked clay) và đất sét không khô (non-drying clay)

 

- Đất gốm

Gốm là một trong những chất liệu có lịch sử lâu đời, xuất hiện từ rất sớm và gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người. Chính vì thế nên gốm cũng là một trong những chất liệu được sử dụng nhiều trong điêu khắc. Gốm là một chất liệu có tính phổ biến, ở Việt Nam có rất nhiều trung tâm gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng… Gốm ngoài tính thông dụng ra còn là một vật liệu dễ tạo hình , đa dạng về màu sắc và có độ bền cao. Tuy vậy chất liệu này cũng có nhiều điểm hạn chế là về độ co ngót của chất liệu sau khi nung. Chất liệu gốm sau khi nung thì tỉ lệ co ngót là 16%, đây là một tỉ lệ tương đối lớn chính vì vậy người nghệ sĩ khi sáng tác tạo mẫu phải đặc biệt lưu ý đến chi tiết này. Ngoài ra chất liệu gốm còn có một hạn chế nữa đó là sản phẩm gốm không được quá dày, nếu quá dày khi nung sẽ bị nổ gốm. Cùng với đó là diện tích của một sản phẩm gốm không được to quá. Chính vì thế trong điêu khắc một bức phù điêu gốm thường được chia thành nhiều mảng nhỏ. Điều này ảnh hưởng đến bố của liền mạch của tác phẩm nhưng cũng là nét đặc trưng của chất liệu này trong điêu khắc. Gốm là một chất liệu lợi thế dễ gây độc đáo cho tác phẩm điêu khắc ở nước ta, nhất là trong điều kiện về đất và kỹ thuật nung cũng như màu men rất phong phú ở các lò gốm. Tượng đất nung gây hiệu quả cao mà vẫn giữ được ngôn ngữ của tạo hình điêu khắc, cho đến nay trong các cuộc triển lãm chất liệu gốm vẫn chiếm số lượng rất lớn.

  • Thạch cao

Thạch cao là khoáng vật trầm tích hay phong hóa rất mềm, với thành phần là muối canxi sulfat ngậm 2 phân tử nước (CaSO4.2H2O). Tinh thể hạt, bột... khối lượng riêng 2,31- 2,33 g/cm³.

Thạch cao khan đem nghiền thành bột, nếu trộn bột này với nước thì thành vữa thạch cao. Đem vữa thạch cao ở trạng thái tươi đi đổ khuôn sau đó đợi ninh kết (sản phẩm thủy hóa lại là CaSO4.2H2O và một phần chưa thủy hóa vẫn là CaSO4.0,5H2O) thì nhận được vật liệu màu trắng có cường độ và độ ổn định nhất định (tên của dạng vật liệu cuối cùng nhận được này thường được gọi một cách đơn giản là "thạch cao" hay dùng làm khuôn và đúc đổ sản phẩm điêu khắc, điêu khắc ứng dụng). [27]

Những sản phẩm điêu khắc làm bằng vật liệu thạch cao có cái đẹp riêng của nó. Bởi vì sau khi đổ từ phôi đất ra khuôn và đổ tiếp sản phẩm thạch cao, tác giả có thể tự sửa chữa những gì mình chưa ưng ý, nhất là hoàn thiện khối theo cách đắp thêm hoặc lấy bớt đi bằng các công cụ như nạo răng cưa, mài nhẵn… Đó là một cách làm mà nhiều nhà điêu khắc thế hệ trước chúng ta đã thực hiện và có hiệu quả được và các tác phẩm vẫn đang được bày trong các bảo tàng.

  • Vật liệu Đá

Đá đã được sử dụng để xây dựng rất từ lâu trong lịch sử, xây dụng các lâu dài, các di tích cổ, cổ vậtđền thờ, và các thành phố trong nhiều nền văn hóa. Các công trình nổi tiếng đã được các thợ điêu khắc tạo ra như: Taj Mahal, bức tường đá vĩ đại bao quanh thành phố Cuscovạn lý trường thành, kim tự tháp, đền Angkor Wat, khu đền thờ Tenochtitlan, khu đền Persepolis, đền Parthenon hay Stonehenge...

Đá là tổ hợp có quy luật của các loại khoáng vật, có thể là một thể địa chất có lịch sử hình thành riêng biệt. Các loại đá được phân loại theo thành phần khoáng vật, nguồn gốc thành tạo. Có thể phân ra các loại đá như: macma, đá trầm tích và đá biến chất. [17]

 + Đá macma (magma) được hình thành từ kết quả nguội lạnh, đông cứng của dung dịch silicat nóng chảy (dung dịch macma) và được chia làm hai loại macma chính: macma xâm nhập và macma phun trào.

- Đá macma xâm nhập được thành tạo khi dung dịch macma nguội đi và các tinh thể khoáng vật kết tinh chậm bên trong vỏ trái đất. Các tinh thể kết tinh rõ ràng, các đá loại này thường có cấu tạo đặc sít.

- Đá macma phun trào được thành tạo khi dung dịch macma phun trào lên trên bề mặt đất, có sự giải phóng các chất khí có trong dung dịch macma một cách mãnh liệt, các đá macma phún xuất thường có cấu tạo rỗng xốp.

+ Đá trầm tích được tạo ra từ sự lắng đọng của các mảnh vụn hoặc các chất hữu cơ, hay các chất kết tủa hóa học (các chất còn lại sau quá trình bay hơi), được nối tiếp bằng sự kết đặc của các chất cụ thể và quá trình xi măng hóa. Quá trình xi măng hóa có thể diễn ra tại hoặc gần bề mặt Trái Đất, đặc biệt là đối với các loại trầm tích giàu cacbonat.

+ Đá biến chất được tạo ra từ sự thay đổi của bất kỳ loại đá nào (bao gồm cả đá biến chất đã hình thành trước đó) đối với các điều kiện thay đổi của môi trường như nhiệt độ và áp suất so với các điều kiện nguyên thủy mà các loại đá đó được hình thành. Các điều kiện nhiệt độ và áp suất này luôn luôn cao hơn so với các chỉ số của chúng ở bề mặt trái đất phải đủ cao để có thể thay đổi các khoáng chất nguyên thủy thành các dạng khoáng chất khác hoặc thành các dạng khác của cùng một khoáng chất (ví dụ bằng sự tái kết tinh)…

  • Vật liệu gỗ

Trước khi nói về chất liệu gỗ trong điêu khắc, tác giả muốn điểm qua về chạm khắc gỗ trong lịch sử Việt Nam để hiểu hơn về nguồn gốc chất liệu gỗ trong điêu khắc.

+ Chạm khắc là một nhánh của nghề thợ mộc, một mặt nó chạm khắc trang trí kiến trúc, mặt khác nó chạm khắc trang trí các đồ vật nội thất (gồm đồ thờ và đồ gia dụng), và tiến thêm một bước là tạc tượng (cũng gồm tượng thờ và tượng trang trí nội thất).

Theo Chu Quang Trứ (2000) trong cuốn tìm hiểu về làng nghề thủ công điêu khắc cổ truyền, NXB Mỹ Thuật có viết  

Chuyện về các cụ Tổ nghề chạm gỗ, nếu cụ Tổ Viễn đại quá xa và hoàn toàn là chuyện huyền thoại, còn các cụ Tổ cận đại tuy khá nhiều nhưng hầu hết không rõ ràng, số ít có thể nhận ra thời gian thường thuộc cuối thời Lê trung hưng, mà tên tuổi nghệ nhân được triều đình phong danh hiệu thì đáng tin nhất là thuộc thời Nguyễn.

Ấy vậy mà sản phẩm chạm gỗ thì lại có từ rất xa xưa, chỉ những tác phẩm vượt quá sự phá hoại của thời gian và con người thì cũng từ thời Trần, phát triển liên tục cho đến tận ngày nay, và chính nó đã làm nên nội dung chủ yếu của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Ở đấy chúng ta có hai mảng là chạm khắc trang trí và tượng tròn tập trung ở các đình và chùa.

Về chạm trang trí, sản phẩm sớm nhất còn lại là chạm nổi ngoại thất các chùa thời Trần và hiếm hoi là một ít đồ thờ (chùa Dâu, chùa Bối Khê, chùa Thái Lạc...)

Thời Lê Sơ, chùa bị hạn chế, thậm chí bị cấm đoán, còn đình mới thể nghiệm chưa định hình, di tích cả hai loại này đều không để lại được công trình nào rõ ràng, nên chúng ta biết rất ít về chạm gỗ đương thời ngoài bộ tượng chùa Thầy.

Từ thời Mạc chùa được phục hưng, tuy không còn công trình hoàn chỉnh, nhưng chúng ta còn một số mạng chạm trang trí biết qua ảnh với bản vẽ ở chùa Cói (Vĩnh Phúc) và được dùng lại ở một số chùa, đặc biệt còn một số bệ tượng chạm trang trí cẩn thận.

Từ thời Lê Trung Hưng trở về sau, chùa được dựng rất nhiều và còn lại đến nay, ở đó các trang trí kiến trúc nhất là trang trí đồ thờ (tập trung là hương án) vẫn biểu hiện tài nghệ của những người thợ chạm khắc Việt Nam. Song từ thời Mạc, ở chùa nổi trội lên là tượng tròn, còn chạm trang trí kiến trúc lại chuyển sang đình làng.

Những ngôi đình này, tùy theo thẩm mỹ thời đại và kinh phí địa phương mà mức độ chạm khắc trang trí có khác nhau, kỹ thuật chạm nổi, lúc chạm bong, kênh, rồi lại kết hợp chạm nổi với gắn chắp như bong kênh… Chính nghệ thuật chạm khắc đình làng đã đẩy mỹ thuật cổ Việt Nam lên một đỉnh cao, làm ngạc nhiên nhiều người sành nghệ thuật trong và ngoài nước.

Chạm nổi ngoài việc đưa vào trang trí kiến trúc còn được đưa vào trang trí đồ thờ và đồ gia dụng. Nhiều di tích có những cửa võng, án, ngai, bài vị, bát bửu, thập bát ban võ... được làm rất cầu kỳ với đủ các kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng… sau đó được sơn son thếp vàng rực rỡ làm cho những đồ thờ này vừa mang tính thẩm mỹ vừa thể hiện nét đẹp cao sang. Còn đồ gia dụng như sập gụ, tủ chè, bàn ghế... với đủ các đề tài cảnh cây, chim thú có các họa tiết thiên nhiên sống động.

Nổi bật trong các sản phẩm chạm mộc phải là tượng tròn. Làng quê và cả thị thành Việt Nam khắp nơi đều có chùa, mỗi chùa là một bảo tàng tượng tròn, chùa Mía có tới gần 300 pho tượng. Nếu chỉ xét tượng ở các chùa đã có tể khẳng định Việt Nam có truyền thống tạo tượng (tượng ở các chùa có rất sớm, còn giữ được đều làm bằng đá). Suốt các thời Lý - Trần và Lê sơ chúng ta chưa tìm được tượng gỗ, bắt đầu từ thời Mạc trở đi thì tượng gỗ ở các chùa được làm rất nhiều.

Các nghệ sỹ thời Mạc đã tạo cho dân tộc những tạo hình rất đẹp, nét đẹp thể hiện ở hình thể với sự đôn hậu, bình dị và đẹp ở nội tâm với sự nhân từ, trong sáng, để rồi lại trở thành mẫu tượng cho các đời sau.

Thời Lê Trung Hưng để lại rất nhiều tượng gỗ, có hầu hết các làng quê, ngoài các tượng cũ còn có thêm các tượng mới và cũng rất thành công - nhất là thế kỷ XVII có sự tham gia của quý tộc triều đình đã tạo được vẻ đẹp quý phái cho các pho tượng (chùa Bút tháp).

Thời Tây Sơn dù rất ngắn do thừa hưởng thành quả thời trước và tạo được tạo được đời sống đầy đủ hưng khởi, đã đẩy nghệ thuật tạo tượng gỗ lên đỉnh cao có cả khoa học giải phẫu, đặc điểm nhận dạng và nhất là nội tâm sống động với cá tính sắc sảo (các tượng ở chùa Tây Phương).

Đến thời Nguyễn các tác phẩm phần nhiều đắp bằng đất luyện, tượng gỗ vẫn được chú trọng và mở rộng, chiếm lĩnh cả các điện Mẫu, đền Thần. Chỉ riêng vành Cửu Long quanh tượng Thích Ca sơ sinh cũng đủ là một phật điện thu nhỏ hết sức phong phú. Nối chung tượng thời Nguyễn không lớn, chuyển từ cái đẹp khái quát sang sự tỉ mỉ nhiều khi đến tinh tế và điều đó gắn với chất mỹ nghệ bằng sự khéo léo của những “bàn tay vàng” của các nghệ nhân. Chính những “bàn tay vàng” có thể làm những mẩu gỗ mộc mạc cũng biến thành vàng. Vào thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã khuyến khích mở ra các trường mỹ nghệ, tổ chức các đấu xảo thuộc địa, mặc dù mục đích khai thác bóc lột, song về khách quan đã làm cho nghề chạm khăc gỗ được nâng cao và phát triển. [17]

Xét đến chất liệu gỗ trong điêu khắc tượng thì có nhiều chủng loại, chỉ gỗ tốt mới dựng đình chùa, đóng những đồ mộc chạm cao cấp và chạm đục tượng. Gỗ là một chất liệu thông dụng trong điêu khắc bởi sự đa dạng của nó. Có rất nhiều loại gỗ và mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm riêng rất đặc trưng, có vẻ nét đẹp riêng về màu sắc cũng như vân gỗ, chính điều đó tạo nên sự độc đáo của chất liệu này khi sử dụng trong điêu khắc.

Gỗ tự nhiên là gỗ có tuổi thọ cao không bị hỏng trong môi trường ẩm ướt và rất bền trong môi trường khô ráo và mỗi loại lại có độ bền tuổi thọ khác nhau. Hầu hết các loại gỗ tự nhiên đều có tính chất có thể coi là nhược điểm như co giãn, cong vênh, rạn nứt... Vì vậy để có thể sử đụng hiệu quả chất liệu này trong điêu khắc chúng ta phải hiểu rõ thuộc tính của từng loại. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự am hiểu về tính chất loại gỗ  được chọn để thực hiện tác phẩm của mình.

Chất liệu gỗ có ba đặc điểm lớn đó là dẻo dai, giãn nở và liên kết chắc chắn. Trong thớ cây, tôm gỗ bao giờ cũng kết hợp nước với xơ thân (tôm gỗ là những ống nhỏ mà chúng ta nhìn thấy trên bề mặt các loại gỗ thông thường). Việc xử lý gỗ bao gồm 2 công đoạn, chủ yếu là phơi thoát hơi nước trong thân cây và tẩm sấy. Trong 2 giai đoạn này thì công đoạn tẩm sấy quan trọng và cần thiết nhất, nó làm cho các thớ gỗ ổn định, liên kết với nhau tạo nên thế giằng. Khi tẩm sấy tính chất sinh học của gỗ thay đổi, gỗ sẽ trở nên dẻo dai, bền chắc, có thể chịu được va đập, chống mối mọt và dễ uốn nắn thuận tiện cho việc tạo hình. Gỗ tự nhiên ngoài ưu điểm mang lại giá trị thẩm mỹ ra còn phù hợp với văn hóa Việt Nam từ xưa tới nay. Nhưng không phải ưu điểm nào cũng cho hiệu quả sử dụng tốt. Dựa vào đặc tính của nó, người ta có thể lựa chọn dùng cho từng bối cảnh phù hợp.

Ở Việt Nam, điều kiện khí hậu nóng ẩm, hanh khô theo mùa nên việc co giãn của gỗ thường xảy ra. Điều này khiến chất liệu có thể bị nứt, mối mọt, cong vênh hoặc mục nát theo thời gian. Bởi vậy, việc bảo vệ và gìn giữ được những sản phẩm gỗ là công việc không hề đơn giản. Thực tế cho thấy, gỗ không kén màu sắc của không gian nên những tác phẩm sử dụng chất liệu gỗ thường đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao. Chất liệu này còn có thể kết hợp với nhiều chất liệu khác từ thô sần, gai góc đến bóng nhẵn.

Điêu khắc gỗ có ở nhiều nước trên thế giới với nhiều phong cách khác nhau. Ở Việt Nam điêu khắc gỗ là một nghề mang tính cổ truyền được hình thành và phát triển qua nhiều đời và kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác. Các công cụ thủ công được sử dụng như: chàng tách, các loại đục. Ngày nay với công nghệ hiện đại còn có các loại máy móc hỗ trợ nhưng vẫn cần phải có bàn tay tài hoa khéo léo của con người thì mới cho ra đc những tác phẩm có hồn và giá trị thẩm mỹ cao.

Để tạo ra một tác phẩm bằng chất liệu gỗ phải trải qua rất nhiều giai đoạn phức tạp. Ngay như khâu chọn gỗ và xử lí gỗ cũng đã rất công phu. Gỗ trước tiên phải được xử lí để chống mối mọt và sấy khô để tranh tình trang co ngót nứt nẻ khi thực hiện tác phẩm. Bởi gỗ ở trạng thái tự nhiên, luôn luôn chứa một lượng tinh bột, đường và lượng nước lớn. Lượng tinh bột - đường tồn tại trong gỗ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cách xử lý gỗ chống mối mọt là bước đầu tiên và quan trọng nhất trước khi gỗ được đem chế biến.

  • Vật  liệu đồng

T.S Phạm Hoàng Vân nghiên cứu về chất liệu đồng trong điêu khắc tượng đài: đồng là kim loại được sử dụng nhiều nhất trong điêu khắc tượng đài và các tác phẩm phù điêu hoành tráng. Nó cho ta khả năng tái tạo bất kì bố cục điêu khắc phức tạp nào. Có 3 dạng sử dụng để thể hiện ngôn ngữ điêu khắc trang trí ứng dụng: đồng thỏi để đúc, đồng lá để gò và đồng tích điện để mạ trong điêu khắc.

Đồng là một trong các chất liệu kim loại trang nhã để làm tượng tốt nhất, bởi tính tạo hình của nó cho ta khả năng thực hiện từ những bố cục mảnh và tinh vi, đến các chi tiết bất kì của hình khối lớn. Đó là kim loại cho phép giải quyết được một cách hoàn hảo bài toán tạo hình trong điêu khắc. Trong cùng một lúc nó là chất liệu tạo hình tổng hợp có phạm vi sử dụng rất rộng. Bề mặt của đồng có tính chất trang trí với độ phong phú của các gam màu sắc kết hợp với vai trò của ánh sáng, đồng cũng là kim loại duy nhất có thể truyền màu sắc nhân tạo cho các tượng cổ điển.

Màu sắc của đồng có một vai trò rất lớn trong điêu khắc, nó phụ thuộc vào tỉ lệ của thiếc và kẽm trong hợp kim. Nếu hợp kim có 15% thiếc thì đồng có màu vàng, nhưng nếu có 16 - 25% thiếc thì đồng sẽ có màu vàng trắng, nếu có hơn 25% thiếc thì đồng sẽ có màu xám, và nếu có 33% thiếc thì sẽ có đồng trắng trông gần giống như bạc.

Tương ứng với thành phần hợp kim khác nhau của thiếc ta sẽ có các độ nóng chảy khác nhau của đồng. Đồng nóng chảy ở nhiệt độ 1083oC, với thành phần 8% thiếc sẽ nóng chảy ở 980oC và với 25% thiếc sẽ nóng chảy ở 800oC. Độ cứng của đồng cũng phụ thuộc vào thành phần hợp kim thiếc: độ cứng lớn nhất là 27% thiếc, nhưng khi đó đồng sẽ giòn. Với thành phần 4 - 6% thiếc, đồng có tính tạo hình tốt nhất và được các nghệ nhân, các chuyên gia sử dụng trong công nghệ đúc tượng đài, tượng trang trí ứng dụng. [22]

Ở Việt Nam, không phải là quá mới, mà từ xưa chất liệu đồng đã được sử dụng và làm rạng danh một số làng nghề.

- Ví dụ như những sản phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho trình độ kĩ thuật và nghệ thuật đúc đồng thủ công thời Lý - Trần là tứ đại khí.

- Sản phẩm đúc đồng lớn và tiêu biểu thời Nguyễn là Cửu đỉnh và Cửu vị thần công (9 khẩu đại bác bằng đồng) khá lớn, chạm khắc tinh xảo, đặt ở kinh thành Huế.

 Pho tượng thánh Trấn Vũ bằng đồng đen đặt ở đền Quán Thánh (Hà Nội). Tám mươi năm sau (1757), người Việt đúc pho tượng Trấn Vũ thứ hai (gần giống nhau về phong cách kiểu dáng), đặt tại đền Cự Linh, xã Thạch Bàn (Gia Lâm, Hà Nội).

- Pho tượng đồng lớn và đẹp ở Việt Nam hiện nay là tượng Phật Di Đà (A Di Đà) chùa Thần Quang (thường gọi chùa Ngũ Xã), do thợ Ngũ Xã (Hà Nội) đúc trong những năm 1949 - 1952, tính cả toà sen 96 cánh, pho tượng này cao khoảng 5,5 m, riêng tượng nặng hơn 12 tấn. Hai nghệ nhân bậc thầy là cụ Nguyễn Phúc Hiếu tạo mẫu tượng, cụ Nguyễn Văn Tuỳ thợ cả, làm khuôn và tổng chỉ huy việc đúc tượng… [17]

1.3.2. Vật liệu được tạo ra bởi khoa học công nghệ

  • Hợp kim đồng hiện đại

Do giá thành cao của thiếc nên người ta đã tìm các chất thay thế cho đồng thiếc. Các loại hợp kim đồng mới này chứa ít thiếc hơn so với trước kia hoặc hoàn toàn không chứa thiếc. Ngày nay, tồn tại một loạt các loại hợp kim đồng không chứa thiếc, thậm chí cả kẽm. Chúng là hợp kim kép hay nhiều thành phần của đồng với nhôm, mangan, sắt, chì, niken, berili, sili… Độ co ngót của các loại hợp kim này đều cao hơn của đồng thiếc. Tuy nhiên, theo một vài tính chất khác thì hợp kim mới lại ưu việt hơn. Đồng nhôm, silic và đặc biệt là đồng berili có tính chất cơ khí tốt hơn, đồng nhôm co độ chống ăn mòn cao hơn, còn đồng silic nhạy hơn về độ chảy loãng. Ngoài ra, độ bền của đồng nhôm và đồng berili có thể gia tăng bằng gia công nhiệt. [26]

Cũng cần phải đề cập tới các hợp kim của đồng với phốt pho. Chúng không phục vụ trong vai trò của vật liệu chế tạo cơ khí, vì thế nói chung người ta không gọi nó là đồng điếu. Tuy nhiên, nó là mặt hàng được giao dịch trên thị trường thế giới và phục vụ trong vai trò của hợp kim trung gian để sản xuất nhiều chủng loại đồng điếu có chứa phốt pho, cũng như để khử ôxy các hợp kim trên cơ sở là nền đồng.

Tóm lại, hợp kim đồng: là vật liệu trên cơ sở đồng (nguyên tố) được hợp kim hóa với các nguyên tố hóa học khác, ví dụ như thiếcchìkẽmbạcvàngăng ti moan... Hợp kim đồng có đặc tính chống ăn mòn tốt trong môi trường bình thường. Tính năng điện của hợp kim đồng thấp hơn đồng nguyên chất, nhưng các tính năng cơ tính và tính đúc của nó lại vượt trội.

  • Vật liệu composite

 Vật liệu composite rất phổ biến trong cách ngành công nghiệp và trong lĩnh vực nghệ thuật nhất là trong lĩnh vực điêu khắc, điêu khắc ứng dụng.

Vật liệu composite ngày càng được ứng dụng nhiều trong cuộc sống của chúng ta như: tượng điêu khắc, phù điêu, logo, quà tặng, kỉ niệm chương, vỏ điện thoại, các vật dụng dùng cho quảng cáo, khuyến mãi, hậu mãi, mặt nạ trang trí, lịch nổi 3D, tranh nổi 3D, bộ cờ vua, chậu rửa cho nội thất, bồn tắm, chậu kiểu cho ngoại thất… và còn rất nhiều ứng dụng cho nhiều sản phẩm khác. Vật liệu composite là chất liệu có nhiều tính ưu việt dùng làm phù điêu, tượng với các kích thước lớn, và có khả năng áp dụng rộng rãi, tính chất nổi bật là nhẹ, độ bền cao, chịu môi trường, dễ lắp đặt, các đặc trưng đàn hồi cao, bền vững với môi trường ăn mòn hoá học, độ dẫn nhiệt, dẫn điện thấp...

Với lịch sử phát triển phong phú của mình, vật liệu composite đã được nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới biết đến. Ở Việt Nam chất liệu nhựa composite được áp dụng hầu hết ở các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân... Khoảng hơn hai thập niên gần đây nhiều đơn vị, tổ chức, các nhà điêu khắc hoạt động độc lập...  đã bắt đầu quan tâm đến composite và sản xuất các dạng sản phẩm đặc biệt trong ngành điêu khắc.

+ Composite là chất liệu được tổng hợp từ nhiều vật liệu khác nhau nhằm mục đích tạo ra một vật liệu mới có tính năng ưu việt hơn hẳn ban đầu. Chất liệu nhựa composite ứng dụng trong điêu khắc được cấu tạo từ các thành phần nhựa polyester với bột đá, hai hỗn hợp này được trộn lẫn bằng máy hoặc bằng tay, sau đó chúng được dặm sợi thuỷ tinh nhằm đảm bảo cho nhựa composite có được các đặc tính cơ học cần thiết và vật liệu nền đảm bảo cho các thành phần của composite liên kết, làm việc hài hòa với nhau cuối cùng pha với chất xúc tác làm đông, đóng rắn.

+ Sợi thủy tinh là chất liệu được kéo ra từ các loại thủy tinh kéo sợi được (thủy tinh dệt), có đường kính nhỏ vài chục micro mét. Khi đó các sợi này sẽ mất những nhược điểm của thủy tinh khối như: giòn, dễ nứt gãy, mà trở nên có nhiều ưu điểm cơ học hơn. Thành phần của thủy tinh dệt có thể chứa thêm những khoáng chất như: silicnhômmagiê… tạo ra các loại sợi khác nhau: sợi thủy tinh E (dẫn điện tốt), sợi thủy tinh D (cách điện tốt), sợi thủy tinh A (hàm lượng kiềm cao), sợi thủy tinh C (độ bền hóa cao), sợi thủy tinh R và sợi thủy tinh S (độ bền cơ học cao). Loại thủy tinh E là loại phổ biến, các loại khác thường ít (chiếm 1%) được sử dụng trong các ứng dụng riêng biệt. [13]

- Cách thức tiến hành trộn hỗn hợp nhựa composite

 Cần chuẩn bị hỗn hợp nhựa trước khi sử dụng. Nhựa và các phụ gia khác phải được phân tán đều trước khi cho xúc tác vào, khuấy đều và cẩn thận để loại bỏ bọt khí trong nhựa ảnh hưởng quá trình gia công. Điều này rất quan trọng do bọt khí còn trong nhựa sẽ ảnh hưởng tính chất cơ lý, làm cấu trúc sản phẩm bị yếu. Cần phải chú ý rằng việc dùng xúc tác và xúc tiến với hàm lượng vừa đủ sẽ cho vật liệu những tính chất tốt nhất.

Khác với nhựa polyresin - không có sợi thủy tinh, nhựa composite - phải có sợi thủy tinh. Cho một hỗn hợp nhựa polyester, bột đá, chất xúc tác vừa dẻo, quét hỗn hợp này trong khuôn có chất cách, dùng một lớp sợi thủy tinh đặt vào, sau đó trộn hỗn hợp nhựa trong polyester với chất xúc tác dặm tiếp lên sợi thủy tinh để kết dính chúng lại với nhau.

Muốn cho sản phẩm có độ dày, độ bền thì dùng nhiều hơn hai lớp sợi, dặm lại bằng nhựa với số lần lương ứng lớp sợi. Tùy yêu cầu làm sản phẩm mà có thể dặm nhiều lớp hơn nữa. Khi vật liệu tăng cường có dạng sợi, ta gọi đó là composite độn dạng sợi, chất độn dạng sợi gia cường tăng cơ lý tính cho polymer nền. Có thể tạo thành từ một chất hoặc hỗn hợp nhiều chất được trộn lẫn một cách đồng nhất tạo thể liên tục. Khi chế tạo ở một nhiệt độ và áp suất nhất định dễ triển khai được các thủ pháp công nghệ, thuận lợi cho quá trình sản xuất. Chúng có thể rất khác nhau trong các loại nhựa, điều này phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố:

+ Thành phần nguyên liệu (loại và tỷ lệ tác chất sử dụng)

+ Phương pháp tổng hợp

+ Trọng lượng phân tử

+ Hệ đóng rắn (monomer, chất xúc tác, chất xúc tiến)

- Bột đá hay còn gọi là bột tan là một loại chất độn cho nhựa polyeste. Bột này được xay nhuyễn từ đá vôi, các mảnh đá vụn từ công nghệ khai thác đá. Bột đá canxi cacbonat (CaCO3) chiếm khoảng hơn 4% của vỏ trái đất và có thể được tìm thấy mọi nơi trên thế giới. hình thức phổ biến nhất của nó là ở dạng đá phấn, đá vôi, đá cẩm thạch, được sinh ra bởi quá trình trầm tích của vỏ nhỏ của sò, ốc và san hô qua hàng triệu năm. Mặc dù về mặt hóa học, cả ba hình thức là giống hệt nhau, chúng khác nhau ở nhiều khía cạnh khác, bao gồm cả độ tinh khiết, độ dày, độ trắng và độ đồng nhất. Canxi cacbonat là một trong những vật liệu hữu ích nhất với loài người. Một vài ứng dụng thường thấy là ở dạng bột đá dùng cho rất nhiều ngành công nghiệp. Nhiều người trong chúng ta gặp phải bột đá cho lần đầu tiên trong lớp học trường học, nơi mà chúng ta sử dụng phấn trắng, bảng đen. Phấn trắng từ bột đá đã được sử dụng như một công cụ viết cho trên 10.000 năm và là một vật liệu viết tốt. Tương tự như bột đá vôi, canxi cacbonat là một tảng đá gen sinh học, nặng  hơn phấn, là một tinh thể thô, đá biến chất, được tạo ra khi phấn hoặc đá vôi hình thành trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cao. Điều thú vị là mặc dù bột đá có trong tự nhiên nhưng những tác động và giá trị của nó đến cuộc sống hàng ngày của chúng là thực sự phi thường. Các ứng dụng phổ biến là: giấy, nhựa, sơn... Trong ngành công nghiệp giấy, nó có giá trị làm cho giấy có độ sáng cao và đặc điểm tán xạ ánh sáng, được sử dụng như một phụ gia rẻ tiền để làm giấy mờ sáng, mịn màng. Bột đá cũng được sử dụng rộng rãi như một chất độn trong chất kết dính, chất bịt kín.

- Chất xúc tác  là các chất chỉ được cho vào nhựa trước khi gia công. Vai trò của chúng là tạo gốc tự do kích động cho quá trình xúc tác phản ứng đồng trùng hợp, là chất đóng vai trò xúc tác cho phản ứng tạo thời gian đóng rắn một cách đáng kể.

Những khả năng đó đã chứng tỏ tính ưu việt của hệ thống vật liệu mới so với các loại nhựa tổng hợp thông thường và cũng chính vì những tính năng ưu việt ấy mà chất liệu composie đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất tượng, phù điêu trang trí, các vật dụng trang trí trong nội thất…

 

Tiểu kết

 

Trong lịch sử loài người, đã có nhiều phát minh khiến cuộc sống của con người thay đổi hoàn toàn. Việc tạo ra công cụ lao động đối với người tiền sử, rồi lửa được tìm ra cách đây 800.000 năm khi người Homo biết đập viên đá lửa vào một loại quặng có chứa sắt để tạo ra tia lửa. Với sự ra đời của lửa, loài người mới có thể có được những bước tiến dài trong quá trình tiến hóa như ngày nay.

Tương tự, xi măng là một phát minh quan trọng, xuất hiện từ thời Trung Cổ, dạng xi măng đầu tiên được sử dụng là thời Ai Cập cổ đại. Người La Mã cổ cũng đã sử dụng loại vật liệu này để xây dựng những đài tưởng niệm như đền Pantheon ở Roma, Italy. Năm 1700, hỗn hợp của xi măng, đá, nước xuất hiện lần đầu tiên trong xây dựng.

Theo các bước tiến của lịch sử loài người, đã có rất nhiều những phát minh được tìm ra nhằm phục vụ nhu cầu đời sống con người. Có rất nhiều các vật liệu được sử dụng trong điêu khắc từ cổ đến kim, các vật liệu quen thuộc trong điêu khắc trước đây chủ yếu được khai thác từ tự nhiên. Xã hội phát triển, thúc đẩy sự tìm tòi của con người, nền khoa học vật liệu cũng theo đó mà phát triển mạnh mẽ, việc tìm ra các vật liệu thay thế các vật liệu cũ vốn đã và sẽ là xu hướng chung của nhân loại.  Sự ra đời của composite cũng là một bước tiến mới, khi khoa học công nghệ phát triển, nó đã được khẳng định và mang tính đột biến vào những năm 1930 khi mà Stayer và Thomat nghiên cứu, ứng dụng thành công sợi thuỷ tinh, Fillis và Foster dùng gia cường cho polyeste không no và giải pháp này đã được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay, tàu chiến... Năm 1950 bước đột phá quan trọng trong ngành vật liệu composite đó là sự xuất hiện nhựa epoxy và các sợi gia cường như polyeste, nylon… Từ năm 1970 đến nay vật liệu composite nền chất dẻo đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp và dân dụng, y tế, thể thao, quân sự... Đặc biệt góp phần rất lớn cho sự phát triển về cả hình thức thể hiện và chất liệu đối với nền điêu khắc - điêu khắc ứng dụng.

 Vật liệu composite phát triển đang dần từng bước thay thế các vật liệu tự nhiên ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong đó có mỹ thuật - điêu khắc ứng dụng. Sự phát triển này phổ biến trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.

 

Lượt xem: 404
Tác giả: Cao Thị Thanh Thà

 ARTCENTER
Địa chỉ: 325 - Âu Cơ - Tây Hồ - Hà nội. Điện thoại: 0982 626 215/ 0944 855 333